Chiến lược tăng trưởng xanh cần được nhận thức là chiến lược xuyên suốt, khâu nối, điều phối và dẫn dắt các chiến lược, đề án, quy hoạch khác của đất nước hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững.
Để triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương rà soát, cập nhật Chiến lược tăng trưởng xanh cho phù hợp với tình hình, bối cảnh mới (cam kết chuyển dịch năng lượng công bằng JETP (là nhân tố thay đổi cuộc chơi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu – sử dụng tài trợ quốc tế để khơi thông hàng tỷ đô la từ nguồn tài chính của khu vực tư nhân), Quy hoạch điện VIII, xu thế mạnh mẽ của chuyển đổi số…) bảo đảm vai trò xuyên suốt, khâu nối của Chiến lược tăng trưởng xanh với các chiến lược quốc gia khác hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu, đề xuất các định hướng lớn, mục tiêu, nhiệm vụ cốt lõi để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh; lựa chọn một số dự án điển hình (5-7 dự án) có tiềm năng tạo ra đột phá làm thí điểm và được theo dõi, đánh giá rút kinh nghiệm trước khi triển khai quy mô rộng hơn…); nghiên cứu, xây dựng một bộ tiêu chí khoa học về phân loại xanh quốc gia, hài hòa với thông lệ quốc tế, giúp các cơ quan có cơ sở pháp lý cụ thể hơn trong việc lựa chọn các dự án đầu tư ở các bộ, ngành, địa phương cũng như lượng hóa, đánh giá tiến bộ của tăng trưởng xanh.
Nhà máy Điện gió Bạc Liêu có 62 turbin điện với tổng công suất dự tính 99MW. Ảnh minh họa: Phan Tuấn Anh/TTXVN
Cùng với đó, Bộ sẽ chủ trì hoặc phối hợp với bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan, tổng hợp đề xuất với Ban Chỉ đạo, Trưởng ban các cơ chế huy động nguồn lực trong nước và quốc tế, các cơ chế tài chính bảo đảm hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh tận dụng lợi thế của nền tảng số và chuyển đổi số; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành, địa phương trong hoạt động hội nhập, “ngoại giao công nghệ”, “ngoại giao khí hậu”; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các quốc gia, tổ chức quốc tế.
Tại Thông báo số 227/TB-VPCP về kết luận cuộc họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Quốc gia về tăng trưởng xanh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển… nghiêm túc, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Chiến lược tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động (phân công trách nhiệm rõ ràng, có thời hạn cụ thể); kịp thời đề xuất, kiến nghị với Trưởng ban xem xét việc sửa đổi, bổ sung các vấn đề quan trọng, liên ngành, cơ chế, chính sách, giải pháp để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó, xây dựng, cập nhật Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của ngành, địa phương với các lĩnh vực, nhiệm vụ có tính chất ưu tiên cao nhất cho giai đoạn từ nay đến năm 2025; trong đó, bao gồm các nội dung: hoàn thiện khung khổ pháp lý cho tăng trưởng xanh; ứng dụng khoa học và công nghệ; đổi mới sáng tạo; áp dụng chuyển đổi số… gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo để tổng hợp.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, ban hành hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành các bộ tiêu chí về tăng trưởng xanh trong phạm vi ngành mình, đảm bảo phù hợp với bộ tiêu chí phân loại xanh quốc gia, lượng hóa các nội dung tăng trưởng xanh đề ra tại Chiến lược tăng trưởng xanh và phù hợp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế; xây dựng cơ chế định giá cacbon theo đúng quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, phù hợp với thông lệ quốc tế…
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chiến lược tăng trưởng xanh cần được nhận thức là chiến lược xuyên suốt, khâu nối, điều phối và dẫn dắt các chiến lược, đề án, quy hoạch khác của đất nước hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững.
Để việc triển khai thực hiện chiến lược đạt hiệu quả cao nhất, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho tăng trưởng xanh; trong đó, cần bảo đảm các công cụ thực thi, theo dõi, đánh giá… được ban hành đầy đủ, cơ chế chính sách thuận lợi cho việc triển khai tại các cấp từ Trung ương đến địa phương.
Bên cạnh đó, quan tâm đầy đủ tới nguồn lực đầu tư (công, tư), công nghệ quản trị, đào tạo nhân lực; các bộ, cơ quan liên quan cần tích cực, chủ động hội nhập, học tập kinh nghiệm quốc tế về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.
Theo TTXVN/Báo Tin tức