Tuyệt đại đa số các đội ở giải Ngoại hạng mùa tới đều đã đối thoại trực tiếp với cổ động viên của họ về vấn đề kinh tế. Nội dung chủ yếu không phải là đàm phán hoặc lắng nghe ý kiến của cổ động viên về giá vé, mà là các giám đốc kinh doanh trình bày lý do vì sao cần tăng giá vé, trong đó nguyên nhân chủ yếu là chi phí tổ chức trận đấu ngày càng tăng. Giới hâm mộ đành chịu, vì chi phí tổ chức trận đấu tăng lên chủ yếu vì các vấn đề liên quan tới… cổ động viên!
Chi tiết đáng ngạc nhiên: giá vé nguyên mùa cao nhất ở Ngoại hạng Anh mùa tới thuộc về đội bóng tầm trung Fulham. Giá vé (hạng phổ thông) là 3.000 bảng (khoảng gần 90 triệu đồng) cho người lớn và 2.500 bảng cho trẻ em (dưới 18 tuổi). Sáu đội bóng khác có giá vé phổ thông nguyên mùa cho người lớn vượt qua mốc 1.000 bảng là Arsenal, Tottenham, Man.City, M.U, Newcastle và West Ham. Ba đội có giá vé nguyên mùa rẻ nhất là Burnley (500 bảng), Luton Town (510 bảng) và Sheffield United (528,5 bảng). Không có gì lạ, vì đó là 3 đội vừa thăng hạng.
Brentford, Chelsea và Tottenham là 3 đội không tăng giá vé. Còn lại, đội tăng giá vé mạnh nhất (20%) là Nottingham Forest, kế đến là Fulham và Aston Villa. Tuy không có danh hiệu nhưng họ là 3 trong số những đội thành công ở mùa bóng trước (thoát được nguy cơ rớt hạng, trong đó Villa thậm chí còn giành vé dự Europa Conference League).
“ĐẮT XẮT RA MIẾNG”
Câu chuyện tăng giá vé một lần nữa nói lên sự hùng mạnh của bóng đá Anh. Trong số 20 đội Ngoại hạng, có đến 15 đội phải lập danh sách cổ động viên chờ mua vé nguyên mùa, nghĩa là vé đã được bán hết, chỉ dự phòng những trường hợp trả vé sau này. Mặt khác, bóng đá Anh ưu việt hơn các nền bóng đá xung quanh ở chỗ ngay cả giải hạng nhì cũng rất đáng xem. Vé nguyên mùa của đội Sheffield Wednesday – vừa được thăng từ hạng ba lên hạng nhì – cũng đã có giá 795 bảng, cao hơn giá vé của không ít đội Ngoại hạng. Một chút so sánh: chỉ với 249 euro (gần 6,4 triệu đồng), bạn đã có thể mua được chiếc vé nguyên mùa của CLB AC Milan tại giải Serie A!
Nhìn chung, vé xem bóng đá tại giải Ngoại hạng Anh đắt hơn vé của các giải lớn xung quanh như La Liga, Serie A, Bundesliga, Ligue 1 khoảng 3 lần. Vé lẻ dĩ nhiên là đắt hơn vé nguyên mùa, và rất khó mua. Mỗi đội có mỗi chính sách khác nhau về cách bán vé. Ví dụ Brentford sẽ “phạt thẻ vàng” khán giả nào giữ vé nguyên mùa nhưng vắng mặt 1 trận. Lãnh đủ 4 thẻ vàng, khán giả ấy sẽ mất quyền tự động mua vé nguyên mùa ở mùa tiếp theo. Tương tự là Arsenal: phải xem ít nhất 17 trận thì mới được ưu tiên mua vé nguyên mùa năm sau (Arsenal khuyến mãi 3 trận vòng bảng Champions League vào 19 trận sân nhà của họ ở giải Ngoại hạng).
Tóm lại, tình hình chung là “khán giả cần vé”, hơn “vé cần khán giả”. Giá sinh hoạt thường ngày cũng đã tăng rồi, nhưng theo thăm dò, các khán giả ở giải Ngoại hạng cho biết họ sẽ tiết kiệm chi phí ăn uống tại sân, bớt mua sản phẩm mang hình ảnh CLB, tìm cách di chuyển đến sân rẻ hơn, nói chung là mọi biện pháp tương tự, thay vì quay lưng với sân bóng. Cũng không phải tự nhiên mà quy định “Saturday black-out” – cấm truyền hình bóng đá vào chiều thứ bảy (2 giờ 45 đến 5 giờ 15) – vẫn đang đứng vững trên quê hương bóng đá từ thập niên 1960 đến nay. Vào giờ cao điểm ấy, ai muốn xem bóng đá, xin mời đến sân!