Như Thanh Niên thông tin, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Vũ Thu Hà yêu cầu Sở GD-ÐT cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ vụ nữ sinh lớp 8 trên địa bàn H.Ứng Hòa bị đánh hội đồng. Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền video ghi cảnh một nữ sinh lớp 8 bị nhóm bạn đánh hội đồng ngay trong lớp học. Nạn nhân bị nhóm bạn đánh liên tiếp vào vùng mặt và đầu, khi một nam sinh can ngăn thì cũng bị nhóm học sinh này đánh.
Theo báo cáo của Phòng GD-ÐT H.Ứng Hòa, vụ việc xảy ra chiều 11.5 tại lớp 8A1 Trường THCS Minh Ðức (xã Minh Ðức, H.Ứng Hòa). Khi đang trong lớp, học sinh N.H.A và N.M.N đã dùng tay đánh học sinh K.T.V vào đầu và mặt. Thấy bạn V. bị đánh, nam sinh D. đã dùng vỏ bình nước để che đỡ. Lúc này, học sinh L. nhìn thấy, nghĩ nhóm bạn đang đùa nhau liền quay video và chia sẻ trên một nhóm mạng xã hội.
Ðến ngày 16.5, giáo viên chủ nhiệm lớp 8A1 được thông tin lại vụ việc và đã yêu cầu nhóm học sinh viết tường trình, kiểm điểm. Qua xác minh ban đầu, lý do em A. và N. đánh em V. là bột phát, không phải do thù hằn. Nhà trường đã mời phụ huynh các em đến để trao đổi, cả 3 học sinh đã nhận ra lỗi của mình và hứa không tái phạm. Ngày 19.5, vụ việc được nhiều người biết đến khi video được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.
Gia tăng nỗi lo
Bạn đọc (BÐ) bày tỏ sự lo ngại khi tình trạng bạo lực học đường liên tiếp xảy ra. “Ðọc tin mà cảm thấy buồn và bất an vì tình trạng này vốn là một vấn đề nhức nhối nhưng vẫn chưa có phương án nào để giải quyết triệt để. Tôi tự hỏi liệu việc phạt thật nặng những trường hợp này có khiến cho nạn nhân thoát khỏi những ám ảnh về mặt tâm lý hay không? Tình trạng này theo tôi ngày càng nghiêm trọng, khẩn thiết mong mỏi các nhà giáo dục, làm luật sớm có những quy định để làm căn cứ xử lý nghiêm, nếu không sẽ không thể răn đe các trường hợp khác”, BÐ Tiến Hưng ý kiến.
Cùng quan điểm, BÐ Ngô Duy cho rằng: “Thực trạng cho thấy việc phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh chưa thật sự chặt chẽ, dẫn đến nhiều tình trạng bạo lực học đường đáng buồn như hiện nay. Ðã đến lúc cần trả lại môi trường học đường trong sáng, giàu tình thương thay vì đầy rẫy bạo lực như hiện nay”. Còn BÐ Hải Duyên viết: “Học sinh bây giờ tiếp xúc cái xấu dễ dàng quá, trong khi khâu quản lý, giáo dục của nhà trường và gia đình lại không được đảm bảo. Nhiều thầy cô chỉ đặt nặng chuyện thành tích mà quên đi việc rèn luyện đạo đức. Nói thật là có tài mà không có đức thì chỉ là người vô dụng”.
“Nhiều cô cậu còn trẻ, vì lời thách thức của bạn bè hay vì cái tôi quá lớn mà tỏ vẻ ta đây, rồi ăn hiếp bạn bè. Giá như các bạn biết được hậu quả mình gây ra sẽ trở thành vết thương tinh thần rất lớn cho bạn học. Nếu trách học sinh một, thì nên trách nhà trường, phụ huynh mười. Cần có những phương pháp giáo dục hiệu quả hơn và cả những biện pháp xử lý đủ mạnh để răn đe”, BÐ Hùng Cường phân tích.
Chung tay ngăn chặn
“Bạo lực học đường càng lúc càng gây hoang mang cho phụ huynh và học sinh. Theo tôi có nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng nhất làm thế nào ngăn chặn, chấm dứt tình trạng này thì phải đến từ nhiều phía: gia đình nên quan tâm đến con mình, nhà trường giáo dục cho các em kỹ năng sống và nếu vi phạm nên có biện pháp nặng mới răn đe làm gương”, BÐ Long Duy nêu giải pháp.
BÐ Phuoc Tam cũng cho rằng muốn bạo lực học đường không còn nữa thì các em phải được quan tâm, uốn nắn từ lúc học tiểu học. “Việc này đòi hỏi giáo viên phải theo sát các em, nhẹ nhàng, chia sẻ để mắt đến các em có tính cách bất thường, hung hăng, khi có bạn mách cô rằng em bị ăn hiếp hoặc chơi xấu thì thầy, cô không nên phạt bằng cách đánh đòn hay làm các em đó xấu hổ mà phải cảm hóa, giảng hòa để nâng cao tinh thần thương yêu, đoàn kết với nhau. Còn phía cha, mẹ phải lưu tâm đến con mình nhiều hơn”, BÐ này góp ý và gợi mở thêm: Những lúc gần con như trong bữa cơm hay trước khi ngủ hãy khơi gợi, chia sẻ và lắng nghe thì chuyện gì trong trường, trong lớp trẻ cũng đều tâm sự với mình. Có như vậy thì tương lai gần mới đẩy lùi được bạo lực học đường.
* Theo tôi, nguyên nhân chính vẫn xuất phát từ phương pháp giáo dục của nhà trường và gia đình. Trẻ em bây giờ dễ tiếp xúc với cái xấu, trong khi việc rèn luyện đạo đức ở hiện tại vẫn còn thiếu chặt chẽ. Nếu không có biện pháp thiết thực hơn, nó chắc chắn sẽ là vấn nạn. Vì vậy tất cả phải cùng quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn bạo lực học đường.
Hoàng Tùng
* Vấn đề giáo dục, rèn luyện đạo đức cần phải đẩy mạnh hơn, song song với việc tìm những biện pháp xử lý nghiêm, thay vì làm mọi thứ cho có. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”, đến khi những sự việc thương tâm xảy ra mới hối hận thì cũng đã muộn.
Tran Loc