Nhiều người tình cờ phát hiện ung thư tuyến giáp khi khám sức khỏe định kỳ, điều trị kịp thời, không ảnh hưởng tuổi thọ, cuộc sống như người bình thường.
Ung thư tuyến giáp (bướu cổ ác tính) xảy ra khi các tế bào trong tuyến giáp phát triển đột biến khiến chúng nhân lên nhanh chóng, hình thành khối u. Bệnh bướu cổ nói chung và ung thư tuyến giáp nói riêng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố: vùng địa lý, giới tính, di truyền. Ở giai đoạn sớm, nhiều người bệnh không có triệu chứng nên khó phát hiện bất thường để thăm khám.
Song, theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm (khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM), số lượng người bệnh ung thư tuyến giáp được phát hiện ngày càng nhiều, một phần nhờ sự tiến bộ của y học. Các phương pháp tiên tiến giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh nhanh chóng. Nhiều người bệnh còn tình cờ phát hiện ung thư tuyến giáp khi khám sức khỏe định kỳ, chụp CT, MRI, siêu âm…
Bác sĩ Quỳnh Trâm chia sẻ thêm, ung thư tuyến giáp là một trong những loại ung thư có tiên lượng tốt nhất. Những trường hợp tử vong ít xảy ra và chủ yếu ở bệnh nhân đã di căn ung thư bên ngoài cổ đến các cơ quan khác. Ở các giai đoạn trễ, khối u phát triển lan đến mô mềm ở cổ, hạch bạch huyết, phổi, xương; khiến điều trị khó khăn hơn. Theo Hiệp hội Tuyến giáp Mỹ, khoảng 30% ca bệnh bị ung thư di căn, chủ yếu đến các hạch bạch huyết ở cổ; 1-4% ung thư di căn bên ngoài cổ đến các cơ quan khác như phổi và xương.
Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tiếp nhận và điều trị khỏi ung thư tuyến giáp cho nhiều trường hợp. Chẳng hạn như gần đây, chị Nguyễn Ngọc Ánh Thúy (53 tuổi, quận 5) được chẩn đoán ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm. Bác sĩ Trâm cho biết chị Thúy được phát hiện ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm nên điều trị thuận lợi, không ảnh hưởng đến tuổi thọ và có cuộc sống như người bình thường.
Chị Thúy kể lại, trong đợt khám sức khỏe định kỳ tại công ty, chị phát hiện thùy trái tuyến giáp có nhân, nghi ngờ ung thư. Chị đến hai bệnh viện lớn và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại TP HCM khám.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Ngọc Hằng (khoa Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch) khám và nhận thấy vùng cổ của chị phình to, có khối di động theo nhịp nuốt. Siêu âm ghi nhận thùy trái tuyến giáp có bướu, kích thước 6,6 cm. Người bệnh tiếp tục được chọc hút bướu tuyến giáp bằng kim nhỏ (FNAC) nghi ngờ ung thư tuyến giáp dạng nhú.
Bác sĩ Hằng và êkíp phẫu thuật cắt tuyến giáp cho người bệnh bằng dao siêu âm chuyên dụng, giúp giảm tỷ lệ chảy máu, giảm thời gian phẫu thuật, ít gây tổn thương mô xung quanh. Ca mổ sau 90 phút, sức khỏe người bệnh ổn định, không ảnh hưởng đến giọng nói, được xuất viện sau hai ngày.
Sau phẫu thuật, nhiều người bệnh ung thư tuyến giáp có thể cần điều trị thêm với iốt phóng xạ để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại và giảm nguy cơ ung thư tái phát. Trường hợp của chị Thúy, kết quả sinh thiết, giải phẫu bệnh cho thấy, khối u không xâm lấn, không còn tế bào ung thư nên không cần dùng thêm phương pháp uống iốt phóng xạ. Tuy nhiên, do đã cắt trọn tuyến giáp, không còn hormone tuyến giáp cho các hoạt động của cơ thể nên người bệnh phải sử dụng thuốc hormone giáp suốt đời.
Bác sĩ Trâm khuyên người dân nên khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng hoặc một năm một lần. Nếu phát hiện ung thư tuyến giáp, bác sĩ lên kế hoạch điều trị kịp thời, hiệu quả. Người bệnh nên uống thuốc theo chỉ định, tái khám định kỳ với bác sĩ khoa nội tiết – đái tháo đường, không tự ý thực hiện theo các phương pháp dân gian khiến bệnh trở nặng.
Nguyễn Trăm
Nhằm cung cấp thông tin về bệnh tuyến giáp, các biến chứng nguy hiểm và cách điều trị hiệu quả; Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề “Tìm hiểu bướu giáp nhân, ung thư giáp và tiến bộ điều trị hiện nay”. Chương trình phát lúc 20h ngày 11/5 trên fanpage VnExpress, với sự tham gia của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM: TS.BS Lâm Văn Hoàng, khoa Nội tiết – Đái tháo đường; ThS.BS.CKII Đoàn Minh Trông, khoa Ngoại vú, ThS.BS Lê Thị Ngọc Hằng (khoa Ngoại tim mạch – Lồng ngực). Độc giả có thể gửi câu hỏi tại đây để được giải đáp. |