Bệnh nhân đến bệnh viện khám sức khỏe định kỳ theo yêu cầu của đơn vị, nhưng đã đăng ký khám thêm về tim mạch do thỉnh thoảng xuất hiện hồi hộp trống ngực và đau tức ngực trái, bất ngờ phát hiện khối bất thường ở phổi.
Tin mới y tế ngày 12/1: Khám sức khỏe phát hiện dị tật phổi hiếm gặp
Bệnh nhân đến bệnh viện khám sức khỏe định kỳ theo yêu cầu của đơn vị, nhưng đã đăng ký khám thêm về tim mạch do thỉnh thoảng xuất hiện hồi hộp trống ngực và đau tức ngực trái, bất ngờ phát hiện khối bất thường ở phổi.
Khám sức khỏe phát hiện dị tật phổi hiếm, nguy cơ ung thư
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Medlatec tiếp nhận anh V.V.Đ (45 tuổi, nhân viên ngân hàng) đến khám sức khỏe định kỳ theo yêu cầu của đơn vị và bất ngờ phát hiện mắc phổi biệt lập thùy dưới phổi trái.
Phổi biệt lập là một bất thường bẩm sinh hiếm gặp, chiếm tỷ lệ chỉ từ 0,15 – 6,4%. Ảnh minh hoạ |
Khai thác bệnh sử được biết, anh Đ. có bố mắc ung thư phổi và bản thân anh có hút thuốc lá. Thời gian gần đây, do bị đau tức vùng ngực trái và hồi hộp trống ngực, anh Đ. đã đăng ký khám thêm về tim mạch ngoài các hạng mục có trong gói xét nghiệm của đơn vị.
Kết quả chụp phim X-quang tim phổi phát hiện đám mờ vùng đáy phổi trái. Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT-Scanner) lồng ngực không tiêm thuốc cản quang cho thấy thùy dưới phổi trái có khối đặc, bờ không đều, ranh giới rõ, kích thước 21x28x37mm, bên trong không có hình phế quản chứa khí, kèm hạch phì đại kích thước 7mm, hướng đến theo dõi u thùy dưới phổi trái.
Để chẩn đoán phân biệt, bệnh nân được chỉ định chụp CT ngực – bụng tiêm thuốc cản quang. Kết quả cho thấy, phân thùy S6 thùy dưới phổi trái có nốt đặc ngấm thuốc mạnh sau tiêm, có nhánh mạch máu bất thường tách từ động mạch chủ xuống đến nuôi dưỡng đường kính 5mm.
Dựa vào kết quả chẩn đoán hình ảnh, bác sỹ đã chẩn đoán bệnh nhân mắc phổi biệt lập thùy dưới phổi trái. Anh Đ. được tư vấn nên phẫu thuật sớm và theo dõi định kỳ 3 – 6 tháng/lần.
Theo bác sỹ Trần Thị Thu, chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh, Hệ thống Y tế Medlatec, phổi biệt lập là một bất thường bẩm sinh hiếm gặp, chiếm tỷ lệ chỉ từ 0,15 – 6,4%.
Đây là tình trạng nhu mô phổi loạn sản, được cấp máu bởi động mạch hệ thống mà không có sự nối thông với cây khí phế quản, dẫn đến sự thay đổi về cấu trúc và chức năng hô hấp.
Phổi biệt lập trong thùy (chiếm 75 – 85%): Thường gặp ở trẻ lớn hoặc người trưởng thành, với triệu chứng điển hình là viêm phổi cấp tính hoặc viêm phổi tái diễn. Đa phần tổn thương này phát hiện ở cạnh vòm hoành hoặc phân thùy đáy sau thùy dưới phổi trái, và tĩnh mạch dẫn lưu sẽ đổ về tĩnh mạch phổi.
Phổi biệt lập ngoài thùy (chiếm 15 – 25%): Thường gặp ở trẻ sơ sinh, với các dấu hiệu như suy hô hấp, tím tái hoặc nhiễm trùng. Tĩnh mạch dẫn lưu đổ về tĩnh mạch hệ thống và tâm nhĩ phải.
Bệnh hình thành khi một chồi phổi phụ phát triển thấp hơn các chồi phổi bình thường và nhận nguồn cung cấp máu từ mạch máu ruột trước nguyên thủy.
Nếu chồi phổi phụ phát triển trước khi màng phổi hình thành, cả mô phổi bình thường và mô phổi biệt lập sẽ được bao bọc cùng một màng phổi, tạo thành phổi biệt lập trong thùy. Ngược lại, mô phổi biệt lập có lớp màng phổi riêng, dẫn đến phổi biệt lập ngoài thùy.
Bác sỹ Thu cảnh báo, nếu không được điều trị, phổi biệt lập có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm tại chỗ, ho ra máu, nhiễm trùng tái diễn và nguy cơ ác tính hóa, trở thành ung thư phổi.
Khi mắc phổi biệt lập, phẫu thuật là phương pháp điều trị chính, giúp ngăn ngừa viêm nhiễm tái diễn, ho ra máu và nguy cơ ác tính. Các biện pháp can thiệp như nút mạch cũng có thể được xem xét.
Do triệu chứng lâm sàng của bệnh thường mơ hồ, nên khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín với đội ngũ bác sỹ chuyên môn cao là vô cùng cần thiết để phát hiện bệnh sớm, từ đó can thiệp kịp thời, tăng cơ hội điều trị thành công và giảm thiểu biến chứng.
Những điều cần biết về dị tật nang tuyến phổi bẩm sinh ở thai nhi
Chị Lành, 33 tuổi, trong lần siêu âm thai tuần 23 đã phát hiện một khối tăng sáng ở phổi trái của thai nhi, kích thước 45x30x32mm, bên trong chứa nhiều nang nhỏ từ 1-6mm.
Theo các bác sỹ, khối này đẩy lệch tim thai sang bên phải và có mạch máu nuôi từ động mạch phổi. Tuy nhiên, không có dấu hiệu tràn dịch các khoang cơ thể và nước ối bình thường. Bác sỹ chẩn đoán thai nhi mắc bệnh tăng sinh tuyến dạng nang ở phổi trái, nhưng chưa có biến chứng phù thai hay suy tim.
Tăng sinh tuyến dạng nang ở phổi (hay còn gọi là dị tật nang tuyến phổi bẩm sinh) là tình trạng mô phổi bất thường hình thành trong giai đoạn phôi thai. Mô này không có chức năng như phổi bình thường, thường chỉ xuất hiện ở một thùy của phổi và có thể phát triển thành các khối nang hoặc khối đặc.
Hiện tại, thai của chị Lành đã 28 tuần, kích thước khối nang không thay đổi và các chỉ số khác vẫn ổn định. Bác sỹ Nghi dự đoán tình hình sẽ tốt, không cần can thiệp thuốc hay phương pháp điều trị đặc biệt, chỉ cần theo dõi sát cho đến khi sinh.
Sau sinh, bác sỹ sẽ tiến hành chụp CT ngực để đánh giá kích thước khối tổn thương, đồng thời xác định thời điểm phẫu thuật cắt bỏ khối này, nhằm tránh nguy cơ nhiễm trùng phổi tái phát và ngăn ngừa khả năng tiến triển thành ung thư phổi sau này.
Còn chị Vy, 28 tuổi, mang thai lần đầu, trong lần siêu âm thai 18 tuần cũng phát hiện một khối tăng sáng ở phổi trái với kích thước 25x15x26mm.
Tuy nhiên, khối này không đẩy lệch tim và không có dấu hiệu phù thai hay suy thai. Theo dõi qua các tuần tiếp theo, khối này tăng nhẹ kích thước rồi giảm xuống còn 14x8x13mm.
Đến tuần 37, siêu âm không còn phát hiện khối tăng sáng nữa, và bé được sinh thường vào tuần 39. Bé sinh ra khỏe mạnh, thở tốt và sau ba tháng, chụp CT ngực cho thấy phổi bé hoàn toàn bình thường.
Bác sỹ Nguyễn Thị Mộng Nghi, Trung tâm Y học bào thai, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho hay, dị tật nang tuyến phổi bẩm sinh có kích thước thay đổi trong suốt thai kỳ và thường được phát hiện qua siêu âm với biểu hiện là một khối tăng sáng có thể có hoặc không chứa nang bên trong ở vùng ngực của thai nhi.
Khối này có thể duy trì kích thước ổn định, phát triển song song với sự phát triển của thai, hoặc thậm chí giảm dần hoặc biến mất trong ba tháng cuối thai kỳ.
Phần lớn các trường hợp đều có kết quả tốt. Tuy nhiên, khoảng 10% các khối u phát triển quá lớn, đe dọa tính mạng của thai nhi. Khi khối u quá lớn, nó có thể gây thiểu sản phổi (phổi không phát triển đầy đủ), chèn ép mạch máu làm tăng áp lực cho tim, dẫn đến suy tim, phù thai, hoặc cản trở sự nuốt nước ối của thai nhi, gây ra tình trạng đa ối.
Dị tật nang tuyến phổi bẩm sinh được chia thành 5 loại, từ loại 0 đến loại 4. Loại 0 rất hiếm gặp và thường gây tử vong sau sinh, trong khi loại 4 có nguy cơ tiến triển thành ung thư phổi sau này.
Nguyên nhân của bệnh chưa được xác định rõ, và bệnh này không liên quan đến chủng tộc, tuổi tác của mẹ, bất thường gene, hay nhiễm sắc thể, cũng như không có tính di truyền (ngoại trừ một số trường hợp của loại 4 có liên quan đến hội chứng u nguyên bào màng phổi gia đình).
Theo bác sỹ Nghi, thai nhi mắc dị tật nang tuyến phổi cần được theo dõi chặt chẽ qua siêu âm tiền sản để xác định loại, kích thước, vị trí, và nguồn cung cấp máu cho khối u, đồng thời đánh giá các bất thường cơ quan khác.
Trong những trường hợp phức tạp, việc sử dụng MRI có thể giúp đánh giá tình trạng thai nhi rõ ràng hơn. Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của thai nhi và thai phụ, bác sỹ có thể quyết định can thiệp ngay trong thai kỳ hoặc theo dõi sát đến khi sinh và can thiệp sau sinh.
Nếu khối nang nhỏ và không gây ảnh hưởng đến tim hoặc gây phù thai, bác sỹ thường sẽ tiếp tục theo dõi sau sinh. Hầu hết các trường hợp sẽ không gây vấn đề về hô hấp cho trẻ và phẫu thuật cắt nang có thể thực hiện trong vòng 6-9 tháng sau sinh.
Ngược lại, nếu khối nang phát triển nhanh và lớn, thường xảy ra trong khoảng từ tuần 20-28 của thai kỳ, cần phải điều trị ngay lập tức để tránh các nguy cơ như phù thai, suy tim, hoặc tử vong.
Bác sỹ Nghi khuyến cáo các mẹ bầu nên đi khám thai định kỳ để phát hiện sớm dị tật nang tuyến phổi, giúp bác sỹ theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của thai nhi và thai phụ, từ đó đưa ra phương án điều trị kịp thời, bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé.
Bé gái bị động kinh do khối dị dạng mạch máu não
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, hai năm trước, một bệnh nhi ở Hà Nội được chẩn đoán dị dạng mạch máu não – nguyên nhân gây động kinh, nhưng điều trị nội khoa không hiệu quả.
Trước đó, em được chuyển đến bệnh viện tuyến trung ương, nhưng bác sỹ chưa can thiệp do khối dị dạng chưa chảy máu, việc điều trị có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Đầu tháng 1, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Xanh Pôn. Các bác sỹ nhận định khối dị dạng nguy hiểm, có nguy cơ chảy máu não dẫn đến tử vong nếu không can thiệp.
Ê-kíp đã thực hiện can thiệp trên hệ thống chụp mạch máu số hóa xóa nền, giúp xác định rõ mạch máu tổn thương và đưa ống thông từ động mạch đùi đến vị trí dị dạng. Sau 45 phút, ca can thiệp thành công, bệnh nhân tỉnh táo, không đau, sức khỏe ổn định.
PGS-TS.Phạm Hồng Đức cho biết dị dạng mạch máu não (AVM) là tình trạng mạch máu bất thường trong não do bẩm sinh, xảy ra từ tuần thứ 4-8 của thai kỳ.
Các mạch máu này nối thông động mạch và tĩnh mạch mà không qua mao mạch, không cung cấp máu cho nhu mô não. Khi vỡ, chúng gây chảy máu não, được ví như “bom hẹn giờ” trong não.
Biến chứng nguy hiểm nhất của AVM là xuất huyết não, có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Triệu chứng bao gồm đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, yếu liệt tay chân, méo miệng, nói khó, nhìn mờ. Biến chứng thứ hai là động kinh, với các cơn co giật, co cứng, mất ý thức.
Ngoài ra, đau đầu kéo dài hoặc thiếu máu não (yếu liệt tay chân, rối loạn cảm giác, nhìn mờ) cũng có thể là dấu hiệu bệnh. Nếu không điều trị, bệnh có thể gây liệt kéo dài, động kinh kháng trị, hoặc tử vong.
Người bệnh có thể sàng lọc dị dạng mạch máu não qua các phương pháp CT, MRI, MRA hoặc chụp mạch máu số hóa xóa nền. Điều trị bao gồm tắc mạch, phẫu thuật, xạ phẫu hoặc kết hợp các phương pháp. Trong đó, can thiệp mạch là phương pháp xâm lấn tối thiểu, hiệu quả, giúp rút ngắn thời gian nằm viện.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-121-kham-suc-khoe-phat-hien-di-tat-phoi-hiem-gap-d240295.html