Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện làm việc cũng như yếu tố có hại trong quá trình lao động sản xuất, gây tác động xấu đến sức khỏe của người lao động. Thời gian qua, cùng với việc triển khai các hoạt động nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, các doanh nghiệp trong tỉnh đã quan tâm, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp để bố trí công việc hợp lý, có hướng điều trị bệnh hiệu quả cho người lao động.
Công ty Cổ phần May thêu Việt Phát (Nam Trực) phối hợp với cơ sở y tế khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. |
Bác sĩ Phan Văn Tùng, Trưởng Khoa Sức khỏe nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Để phát hiện sớm và hạn chế bệnh nghề nghiệp cần giám sát định kỳ, đầy đủ và đúng thực trạng môi trường lao động để có giải pháp cải thiện, tạo môi trường làm việc tốt hơn; đồng thời tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động giúp phát hiện sớm các bất thường về sức khỏe trước khi chuyển thành bệnh hoặc bệnh đang ở giai đoạn sớm, chưa biểu hiện ra ngoài. Việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm giúp việc điều trị dễ dàng, hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí và tránh các biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Theo quy định của Nhà nước, doanh nghiệp sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, kể cả người học nghề, tập nghề ít nhất mỗi năm một lần; đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại thì ít nhất 6 tháng một lần; lao động nữ phải được khám phụ khoa; người có tiếp xúc với yếu tố nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải được giám định y khoa để xếp hạng thương tật, xác định mức độ suy giảm khả năng lao động và được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động… Hiện Nhà nước quy định có 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội, trong đó có 7 bệnh thuộc nhóm bụi phổi, 10 bệnh thuộc nhóm nhiễm độc, 6 bệnh thuộc nhóm yếu tố vật lý, 5 bệnh thuộc nhóm bệnh da, 5 bệnh thuộc nhóm nhiễm khuẩn, 1 bệnh thuộc nhóm ung thư. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh nghề nghiệp như ảnh hưởng bởi các yếu tố có hại không được kiểm soát tốt trong quá trình lao động (vật lý, hoá học, sinh học,…) tác động trực tiếp đến người lao động.
Nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động, hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn; khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Sở Y tế và các ngành chức năng thường xuyên phối hợp kiểm tra, phổ biến, hướng dẫn, huấn luyện cho người sử dụng lao động và người lao động về quản lý an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp. Thanh tra, kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động; phát hiện, cảnh báo và hướng dẫn người sử dụng lao động khắc phục các nguy cơ tiềm ẩn tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động. Phần lớn các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, có đông lao động tích cực thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho lao động nặng nhọc, có nguy cơ cao. Hàng năm, số lượng các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động và số người lao động được khám sức khỏe định kỳ đều tăng lên. Tiêu biểu như: Công ty Cổ phần May Sông Hồng, Công ty TNHH May Youngone Nam Định (Khu công nghiệp Hoà Xá), Công ty TNHH Maxport Limited, Công ty Cổ phần May 1 (Tổng Công ty Dệt may Nam Định); Công ty TNHH Padmac Việt Nam, Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam – Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản); Công ty TNHH Golden Victory Việt Nam (Nghĩa Hưng); Công ty TNHH Viet Power, xã Hải Minh (Hải Hậu)… Theo lãnh đạo Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, để có lực lượng lao động khỏe mạnh, gắn bó lâu dài, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, Công ty đặc biệt chú trọng chăm lo đời sống cho người lao động. Cùng với việc không ngừng nâng cao thu nhập cho người lao động, Công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ theo quy định cho công nhân; nếu phát hiện người lao động có bệnh thì chuyển công nhân đó đến cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị, công nhân nào sức khỏe không đảm bảo với vị trí việc làm hiện tại sẽ được điều chuyển sang bộ phận khác làm việc phù hợp với sức khỏe. Công ty trang bị đầy đủ trang phục bảo hộ lao động cho công nhân; nhà ăn và suất ăn đảm bảo an toàn thực phẩm. Một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH Golden Victory Việt Nam (Nghĩa Hưng); Công ty TNHH Viet Power, xã Hải Minh (Hải Hậu) đã triển khai mô hình “Sức khỏe của bạn”. Qua đó, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với các đơn vị y tế tổ chức khám và tư vấn sức khỏe miễn phí cho người lao động, lồng ghép tuyên truyền các kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường lao động xanh – sạch – đẹp, phong trào bảo vệ môi trường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, khám sức khỏe định kỳ, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh có 95.779 lao động được khám sức khỏe định kỳ. Kết quả, có 28.672 người sức khỏe loại I; 52.262 người sức khỏe loại II; 13.262 người sức khỏe loại III; 1.396 người sức khỏe loại IV và 232 người sức khỏe loại V. Trong số hàng nghìn người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, có 7 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp, được tư vấn, điều trị kịp thời và được bố trí công việc phù hợp. Tuy nhiên, việc khám sức khoẻ cho người lao động chỉ được quan tâm thực hiện ở một số doanh nghiệp có quy mô lớn, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thực sự quan tâm đúng mức. Nhiều doanh nghiệp nhỏ, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, chưa quan tâm đúng mức đến công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, không thực hiện khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Vẫn còn tình trạng người lao động làm việc trong môi trường, điều kiện vệ sinh và an toàn lao động không đảm bảo, không được nghỉ ngơi hợp lý; chế độ và cường độ lao động căng thẳng quá mức dẫn đến mắc bệnh nghề nghiệp. Một bộ phận người lao động chưa hiểu rõ về các yếu tố, tác hại nghề nghiệp trong môi trường làm việc, trong quá trình sản xuất còn chủ quan, thờ ơ trong việc bảo vệ sức khỏe của chính mình, không sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc. Đáng chú ý là ở khu vực làng nghề, làng nghề truyền thống, nhất là các làng nghề cơ khí, chế biến gỗ, mây tre đan có nhiều người lao động làm việc thời gian dài trong môi trường quá nhiều bụi, tiếng ồn, song nhiều người vẫn không sử dụng khẩu trang, đeo kính và găng tay bảo hộ trong quá trình làm việc nên đã mắc các bệnh về phổi, thính giác, ngoài da do hít phải bụi kim loại nặng, hóa chất,…
Sức khỏe của người lao động là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng, năng suất làm việc và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Chăm lo sức khỏe cho người lao động chính là chăm lo đến “tài sản” lớn nhất của doanh nghiệp. Bởi vậy, cùng với việc làm tốt công tác an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp, việc thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động không chỉ là thực hiện quy định của Nhà nước mà còn là biện pháp hiệu quả để bảo đảm “nguồn vốn sức khỏe” của doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định về quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn lao động; phòng chống bệnh nghề nghiệp. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh lao động, thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về an toàn vệ sinh lao động, chính sách chăm sóc sức khỏe đối với người lao động. Mỗi người lao động cần trang bị kiến thức, nâng cao ý thức chấp hành quy tắc an toàn lao động, thực hiện các quy định về bảo hộ lao động để bảo vệ sức khỏe của mình./.
Bài và ảnh: Minh Tân