Điểm đầu tiên ngay khi nhìn vào Galaxy A55 chính là hiệu ứng ánh kim có trên một số tùy chọn màu sắc, tạo ra một số màu sắc cầu vồng tùy thuộc vào cách ánh sáng chiếu vào. Phần khung của điện thoại cũng có thiết kế phẳng ở các cạnh và dường như được làm từ thép không gỉ với lớp sơn bóng dọc theo khung mang đến cảm giác chân thực hơn của kim loại.
Nút điều chỉnh âm lượng và nguồn nhô ra một chút với kết cấu rõ ràng và mượt mà, điều này mang lại cho điện thoại nhiều nét đặc sắc khi so sánh với các smartphone tầm trung khác. Đặc biệt, xếp hạng IP67 vẫn được duy trì để bảo vệ chống nước và bụi, giúp người dùng yên tâm hơn khi sử dụng. Nhưng tất cả không chỉ có vậy.
Chất lượng hiển thị và âm thanh
Mặc dù chỉ có một loa dưới nhưng Galaxy A55 vẫn có thể phát âm thanh nổi nhờ loa thoại trên máy. Hơn nữa, âm thanh cũng được nâng tầm bởi tính năng Dolby Atmos, mang lại chất lượng phong phú hơn.
Việc giải trí thêm sống động với màn hình Super AMOLED 6,6 inch hỗ trợ tốc độ làm mới thích ứng 120 Hz, có thể đạt độ sáng tối đa lên đến 1.000 nit, đủ tốt để sử dụng ngoài trời. Người dùng cũng có độ phủ màu nhiều hơn nhờ hỗ trợ HDR10+ và phát lại độ phân giải cao với Widevine L1 giúp hình ảnh thêm sắc nét.
Nhờ kính cường lực Gorilla Glass Victus+, độ bền màn hình cũng được nâng lên và chống trầy xước tốt hơn. Có hạn chế là phần viền xung quanh không đều khi phần cằm dày hơn ở hai bên một chút, điều này làm cho các góc bo tròn của màn hình không thẳng hàng với khung của điện thoại.
Hiệu suất và thời lượng pin
Được trang bị chip Exynos 1480, Galaxy A55 mang đến một bước nhảy vọt về hiệu suất so với Galaxy A54 giúp điện thoại có thể xử lý nhanh chóng các trò chơi như Mobile Legends. Với các game nặng hơn như Asphalt 9 hay Genshin Impact, việc thiết lập đồ họa thấp hơn sẽ giúp điện thoại ít bị nóng, giúp kiểm soát tốt hơn.
Ngay cả với model tiêu chuẩn RAM 8 GB và bộ nhớ trong 128 GB, người dùng cũng yên tâm nhờ khả năng mở rộng RAM thêm đến 8 GB với tính năng RAM ảo, trong khi bộ nhớ trong có thể tăng thêm qua khe cắm thẻ nhớ microSD.
Không chỉ có khả năng 5G, điện thoại cũng có khe cắm nano-SIM kép. Nhờ hỗ trợ eSIM, người dùng có thể lắp thẻ nhớ microSD mà không phải hy sinh khả năng SIM kép. Các kết nối Wi-Fi 6, Bluetooth 5.3 và NFC cũng là thế mạnh của Galaxy A55.
Thời gian sử dụng của máy cũng thoải mái nhờ pin 5.000 mAh kết hợp sạc có dây lên đến 25W (không đi kèm trong hộp). Thử nghiệm với một củ sạc 33W, thời gian sạc đầy pin là 1 giờ 23 phút – con số khá nhanh. Tùy chọn bảo vệ pin trong ứng dụng Cài đặt sẽ giúp kéo dài tuổi thọ pin dựa trên kiểu sạc của người dùng.
Máy ảnh
Galaxy A55 được trang bị hệ thống 3 camera ở mặt sau, gồm cảm biến chính 50 MP, siêu rộng 12 MP và macro 5 MP, như tiền nhiệm. Điện thoại có thể chụp sắc nét với khả năng tái tạo màu sắc gần như chính xác trong điều kiện ánh sáng mạnh. Khi chụp thiếu sáng, nhờ chế độ ban đêm, ảnh chụp cho thấy dải động khá tốt và ít nhiễu.
Điện thoại có thể quay video lên đến chất lượng UHD 4K ở tốc độ 30 khung hình/giây với OIS. Trong khi đó, việc chụp ảnh selfie cho tông màu ấm và hỗ trợ xử lý làm mờ hậu cảnh với chế độ chụp Chân dung.
Phần mềm
Galaxy A55 chạy OneUI 6.1 dựa trên Android 14 với số lượng bloatware ít, mang lại trải nghiệm OneUI hoàn chỉnh, cung cấp một số tính năng thú vị như làm mờ thích ứng trên một phần giao diện người dùng hay phát đa phương tiện với hoạt ảnh sóng âm thanh tinh tế.
OneUI 6.1 cung cấp nhiều tùy chọn tùy chỉnh màn hình khóa hơn. Tính linh hoạt của điện thoại trong các hoạt ảnh, chẳng hạn như điều hướng giữa các ứng dụng, mở khóa bằng vân tay… cũng khá tốt.
Samsung lần đầu tiên triển khai tính năng bảo mật Knox Vault lên dòng A qua Galaxy A55 nhằm tăng cường bảo mật cho người dùng. Không những vậy, điện thoại cũng được cam kết trải nghiệm sử dụng dài lâu với 4 phiên bản cập nhật hệ điều hành cùng với 5 năm cập nhật bảo mật giúp người dùng yên tâm sử dụng máy trong thời gian dài.