Theo kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024, trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương đã tổ chức Ngày hội trải nghiệm với chủ đề “Sắc màu Vùng cao” nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa dân tộc, từ đó củng cố, bồi dưỡng lòng tự hào về văn hóa của các dân tộc Việt Nam nói chung và của chính thành phần dân tộc mỗi cá nhân học sinh đang học tập tại nhà trường nói riêng.
Với sự chuẩn bị chu đáo, công phu của các giáo viên và học sinh, các chi đoàn đã mang đến ngày hội trải nghiệm với nhiều hoạt động thiết thực qua các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật qua việc tái hiện lại các không gian văn hóa nghệ thuật Khèn Mông; hát xoan Phú Thọ, hát Then dân tộc Tày, múa xòe dân tộc Thái, múa cồng chiêng dân tộc Mường và không gian văn hóa vật chất trưng bày giới thiệu các vật phẩm đặc trưng của các dân tộc và sách văn hóa dân tộc dân gian Việt Nam.
Tại ngày hội học sinh được tham gia các trò chơi dân gian kéo co, đẩy gậy, ném còn, ném pao, nhảy sạp … giao lưu văn hóa ẩm thực và giới thiệu đồ thủ công với chủ đề “Hương sắc vùng cao”, 32 chi đoàn với 32 không gian trưng bày giới thiệu các sản phẩm, đặc sản vùng miền. Mỗi lớp thực hiện tổ chức một không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thủ công và các đặc sản đặc trưng của các địa phương của các em học sinh như khăn, áo, túi, ví thổ cẩm, đồ mây tre đan… và các món ăn đặc sản, hoa quả…
Tại không gian trưng bày các học sinh giới thiệu những món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc như: Mật ong, bánh chưng gù, bánh bò, hạt dẻ, bánh khảo, bánh trời, thạch đen Cao Bằng; Miến dong, bánh dày ngũ sắc, kẹo lạc Bắc Kạn; cam Hàm Yên, măng khô, bánh gai Tuyên Quang, bánh lẳng Hòa Bình…
Học sinh Hồ Phương, người dân tộc Mường, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình chia sẻ: “Em rất vui khi được tham gia ngày hội trải nghiệm “Sắc màu vùng cao” do nhà trường tổ chức. Trong dịp này em được tham gia các hoạt động và trình diễn trong đội cồng chiêng. Khi được trình diễn trong hoạt động này em rất tự hào vì được giới thiệu nét đẹp văn hóa dân tộc mình cho các bạn, đồng thời đây cũng là cơ hội để em được tìm hiểu thêm các nét đẹp văn hóa của dân tộc khác. Hoạt động không chỉ là nơi giao lưu, mua bán, trao đổi các sản phẩm đặc trưng của địa phương mà còn giúp chúng em ý thức hơn về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng người dân tộc. Qua đó, học sinh vùng cao chúng em thêm trân quý các giá trị văn hóa”.
Hoạt động trải nghiệm đã tạo diễn đàn để cán bộ, giáo viên và học sinh trong nhà trường tìm hiểu, trao đổi và chia sẻ những kiến thức và hiểu biết về bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc, những nét đẹp, nét riêng và độc đáo trong đời sống tinh thần cũng như văn hóa ẩm thực vùng miền, đặc biệt miền núi Tây Bắc. Đồng thời giúp các em học sinh dân tộc thiểu số phát huy những thế mạnh của bản thân, hoàn thiện kỹ năng sống trong thời đại mới.
Bà Hồ Thị Bích Thủy – Phó hiệu trưởng trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương cho biết, đây là hoạt động thường niên của nhà trường nhằm hiện thực hóa đổi mới giáo dục đào tạo theo Nghị quyết số 29–NQ/TW Hội nghị Trung ương và tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới. Qua các hoạt động nhằm hình thành và phát triển năng lực học sinh, giáo dục các em về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng như bồi dưỡng, rèn luyện các kĩ năng sống cho học sinh để phù hợp theo định hướng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.