Theo trang Romania Insider, truyền thống khắc chữ và vẽ lên bia mộ tại Sapanta bắt đầu từ năm 1935, dựa trên sáng kiến của một nghệ sĩ địa phương là Stan Ioan Patras.
Ông Stan Ioan Patras sinh năm 1908, tại Sapanta. Vào năm 14 tuổi, ông bắt đầu tạo ra những cây thánh giá đầu tiên cho nghĩa trang địa phương, với niềm cảm hứng xuất phát từ tình yêu con người và cuộc sống.
Ông Patras sơn thánh giá bằng màu xanh dương đặc biệt mà ngày nay gọi là màu xanh Sapanta. Ông tin rằng đây là màu của bầu trời trên quê hương Romania – màu của hy vọng và tự do.
Đến năm 1935, ông bắt đầu khắc những bài thơ được viết bằng phương ngữ, kể lại câu chuyện của những người được chôn cất ở đây.
Trên những cây thánh giá, ông vẽ hình ảnh khi còn sống của những người đã khuất, và cả cách họ ra đi.
Ông Patras đã tự tay chạm khắc, viết thơ và vẽ hơn 800 kiệt tác nghệ thuật dân gian trong 40 năm của cuộc đời mình.
Từ năm 1960 trở đi, toàn bộ nghĩa trang dần dần lấp đầy với hàng trăm cây thánh giá được chạm khắc bằng gỗ sồi, khiến nơi đây trở thành một địa điểm độc đáo như ngày nay.
Đến đầu những năm 1970, một nhà báo người Pháp phát hiện ra sự tồn tại của nghĩa trang vui vẻ và công bố với thế giới bên ngoài.
Năm 1977, ông Stan Ioan Patras qua đời. Ông để lại trách nhiệm tiếp nối truyền thống khắc văn bia cho người học việc tài năng nhất, ông Dumitru Pop.
Kể từ đó, ông Pop dành ba thập kỷ để tiếp tục công việc chạm khắc lên những cây thánh giá tại nghĩa trang và biến ngôi nhà của ông Patras thành bảo tàng của nghĩa trang vui vẻ.
Cách nghĩa trang không xa, nhà tưởng niệm Stan Ioan Patras là nơi du khách có thể tìm hiểu thêm về cuộc đời và công việc của người đàn ông đằng sau nghĩa trang độc đáo trên.
Theo tạp chí Atlas Obscura, nghĩa trang này nổi tiếng đến mức một cuốn sách tiếng Romania có tựa đề “Những cây thánh giá của Sapanta”. Cuốn sách liệt kê tất cả văn bia trong nghĩa trang, cùng với lời mô tả và giải thích về ý nghĩa của các thông điệp được khắc lên.