Khám phá Lễ Tủ Cải của người Dao đầu bằng

HeritageHeritage05/12/2024

Tam Đường là huyện vùng cao ở phía đông bắc của tỉnh Lai Châu, nơi có nhiều nhóm dân tộc Dao sinh sống như nhóm Dao khâu, Dao đỏ, Dao đầu bằng… Người Dao cũng là tộc người có nhiều nghi lễ độc đáo còn được duy trì, thực hiện trong cuộc sống hiện đại. Trong đó, phải kể đến lễ Tủ Cải của người Dao đầu bằng ở xã Hồ Thầu. Theo ý nghĩa của chữ Nôm Dao, “Tủ” là báo cáo, “Cải” là đặt tên. Tủ Cải được hiểu là lễ báo cáo với thần linh, tổ tiên về việc đặt tên âm cho người con trai trong dòng họ. Người Dao quan niệm rằng người con trai khi trải qua nghi lễ này mới được ghi nhận là đã trưởng thành, hội tụ tâm đức, biết điều hay lẽ phải để có thể đảm nhiệm trọng trách của dòng họ, cộng đồng trong những việc lớn.
Và quan trọng, ở khía cạnh tâm linh, họ tin rằng người đàn ông đã trải qua lễ Tủ Cải sẽ được đoàn tụ với tổ tiên ở thế giới bên kia. Khi đã được đặt tên âm, người Dao đầu bằng chỉ dùng tên này trong các nghi lễ truyền thống và được ghi trong gia phả để con cháu cúng giỗ khi khuất núi.
 
Vào dịp cuối năm khi nông nhàn, lễ Tủ Cải thường được tổ chức trong thời gian khoảng 3 ngày, tùy vào điều kiện kinh tế của từng gia đình. Khoảng hơn một tuần trước khi cử hành nghi lễ này, gia chủ có người “thụ lễ” sẽ chuẩn bị chu đáo các lễ vật để thực hiện cúng tế. Trong thời gian diễn ra lễ Tủ Cải, các thầy cúng và người “thụ lễ” thường là các thanh thiếu niên có độ tuổi từ 9 đến 17 thực hiện nhiều bài cúng với mục đích để thần linh và tổ tiên ghi nhận, chứng giám bản lĩnh của người đàn ông. Mỗi bài cúng gắn với mỗi nghi thức đều mang ý nghĩa khác nhau. Chẳng hạn nghi lễ đóng dấu thông hành, khai sáng ngọn đèn với ý nghĩa tẩy sạch thể xác trước khi được tiếp nhận linh hồn. Hay nghi thức buộc đồng xu lên đầu rồi cắt dây buộc với ý nghĩa tái hiện lại quá trình cắt rốn khi người mẹ sinh con. Ngoài các nghi thức tâm linh, thầy cúng còn truyền dạy người con trai thực hành các nghi lễ cúng bái, các bài nhảy múa truyền thống hay chơi nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Đặc biệt, thầy cúng cũng là người dạy bảo những điều hay lẽ phải, đạo lí để thể hiện vai trò trụ cột của người đàn ông trong gia đình và cộng đồng.
Nghi thức quan trọng nhất và cũng độc đáo nhất trong lễ Tủ Cải là lễ “rơi đài” được thực hiện ngoài trời. Thời khắc đáng ghi nhớ nhất của người đàn ông là khi họ được thầy cúng và cộng đồng chứng kiến cảnh quỳ gối trên đài cao và bật ngửa thả người xuống dưới trong tư thế cuộn tròn như hình ảnh bào thai trong bụng mẹ. Phía dưới là chiếc võng được căng sẵn chờ đón bởi những người đàn ông khỏe mạnh khác. Khi người rơi chạm võng, họ sẽ lập tức được cuốn kín lại bằng một chiếc chăn. Sau đó, thầy cúng sẽ là người mở chăn, cho phép người thực hành nghi lễ bước ra ngoài. Từ đây, người đàn ông đã thực hiện trọn vẹn các nghi thức trong lễ Tủ Cải và chính thức được cộng đồng công nhận đã trưởng thành.
 

Tạp chí Heritage


Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available