Sau khi băng qua con đường nắng cháy thì đoàn đến được khu vực chân núi lửa. Nếu bên ngoài khu vực là quang cảnh rừng khộp, cây họ dầu lưa thưa hay cây rụng lá vào mùa khô, thì xung quanh miệng núi lửa là vô số bụi le, cỏ hôi phát triển dày đặc, cao lút đầu người.
Đặt chân tới đỉnh núi với độ cao chừng 600m so với mực nước biển cũng là lúc mệt nhọc tan biến khi được ngắm nhìn khung cảnh ngoạn mục.
Hướng dẫn viên liên tục khích lệ để lên tinh thần cho cả đoàn chuẩn bị khám phá các hang động từ điểm xuất phát là miệng núi lửa.
Hệ thống các hang động núi lửa Chư Bluk được các nhà khoa học gọi tên theo chữ và số. Đoàn chúng tôi đủ thời gian trải nghiệm 3 hang, trong đó ấn tượng với hang C9 và hang C8.
Hang C9 có dạng cổng vòm to, được ví như hang Sơn Đoòng – Quảng Bình thu nhỏ với thảm thực vật xanh mướt gần miệng hang.
Lối xuống hang là con dốc nghiêng khoảng 30 – 40 độ. Những tảng đá dung nham lớn nhỏ chồng chất, rải rác cả đoạn đường xuống hang nên việc di chuyển của cả đoàn khá khó khăn.
Hang C8 nằm ẩn mình dưới tán cây rậm rạp mà xưa kia vốn là hố khí thoát ra trong quá trình dòng nham thạch tuôn chảy, rồi được mở rộng do phong hóa, sụp đổ. Để xuống được lòng hang, chúng tôi đã phải đu dây, thả từng người xuống.
Cảm giác lúc này hồi hộp xen lẫn chút sợ hãi như thể lọt vào miệng “quái vật” đang ngủ yên. Thế giới trong lòng hang thật diệu kì, đặc biệt là khi có ánh nắng chiếu vào bên dưới, soi rọi những tảng đá rêu phong và các khóm dương xỉ. Khung cảnh ma mị và cuốn hút, một số người còn giật mình khi gặp nhện khổng lồ nằm bất động trên nền hang.
Tạp chí Heritage