Theo Wccftech, Kirin 9020 là chip kế thừa trực tiếp của Kirin 9010 mà Huawei cung cấp cho dòng Pura 70 trước đây. Mặc dù có thông tin rò rỉ cho rằng Kirin 9020 được sản xuất hàng loạt trên quy trình 6nm, một cuộc điều tra sâu hơn cho thấy SMIC vẫn chưa đạt được quy trình vượt quá 7nm. Điều này có nghĩa Huawei vẫn buộc phải sử dụng công nghệ 7nm cho Kirin 9020.
Huawei đã giúp Kirin 9020 nổi bật ra sao?
Phân tích từ TechInsights chỉ ra rằng Huawei đang gặp khó khăn trong việc mở rộng sản xuất do các lệnh trừng phạt thương mại từ Mỹ. Điều này ngăn cản công ty tiếp cận các quy trình sản xuất tiên tiến hơn từ các đối tác như TSMC hay Samsung. Kết quả là, Huawei chủ yếu phụ thuộc vào SMIC trong việc sản xuất chip, vốn có khả năng sản xuất chip quy trình 7nm, hay N+2, trở lên.
Mặc dù SMIC và Huawei đã hợp tác để phát triển thành công quy trình 5nm, nhưng năng suất của quy trình này vẫn còn quá thấp để sử dụng cho các mục đích thương mại. Nếu áp dụng quy trình này cho Kirin 9020, con chip sẽ trở nên đắt đỏ.
Điểm khác biệt đáng chú ý là Kirin 9020 có kích thước khuôn lớn hơn 15% so với Kirin 9010, điều này cho phép nó có bộ nhớ đệm cao hơn một chút, đảm bảo hiệu suất tốt hơn so với tiền nhiệm. Trong khi đó, phiên bản Mate 70 Pro+ dường như được trang bị chip có đóng gói tương tự như Kirin 9000S và Kirin 9010, với các ký hiệu “Hi36C0” và “GFCV110”.
Cũng theo báo cáo từ TechInsights, SMIC đã nhận được sự hỗ trợ tài chính gần như không giới hạn từ chính phủ Trung Quốc và dự kiến sẽ duy trì quy trình 7nm cho đến năm 2026. Điều này khiến Huawei gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các đối thủ như Apple và Qualcomm – những công ty sẽ sản xuất hàng loạt chip 2nm. Thời điểm hiện tại có thể là lúc Huawei cần phải lo lắng về tương lai của mình trong ngành công nghiệp công nghệ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/kham-pha-chip-di-dong-moi-cua-huawei-185241213000029297.htm