Tại huyện Hồng Dân, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, cơ quan chức năng đã đặt nhiều cống, đập ngăn mặn. Để các phương tiện (xuồng, vỏ lãi) lưu thông dễ dàng qua cống, đập, người dân nơi đây đã sáng chế ra cầu kéo (hay còn gọi là kéo cảo).
Gọi là cầu kéo, nhưng cầu này không có trụ, chỉ có đường ray. Người điều khiển vỏ lãi, xuồng chỉ cần tắt máy, bơi xuồng cập vào cầu kéo và nắm tay vịn (có nơi không có tay vịn) chờ được đưa qua cầu.
Vào mùa mưa, các cống thủy lợi đều mở cửa cống, nên người dân tranh thủ đi qua cống để tiết kiệm chi phí.
Riêng các tháng nắng, nước mặn được điều tiết về để phục vụ nuôi trồng thủy sản, các cống sẽ được đóng lại để ngăn mặn, bảo vệ diện tích trồng lúa ở vùng ngọt hóa. Đó cũng là lúc người làm cầu kéo có thêm thu nhập.
Anh Lê Văn Hoàng, một chủ cầu kéo tại xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) chia sẻ, các bộ phận chính của cầu kéo, gồm máy dầu, hộp số, đường ray và hệ thống trục kéo.
Theo anh Hoàng, tùy con kênh, đập mà làm kích thước đường ray dài hay ngắn. Chỗ anh làm đường ray có chiều ngang 1,5m, chiều dài 60m, công suất máy hơn 3.000 mã lực, tải trọng được hơn trên 5 tấn.
Khi đưa phương tiện qua lại đập, người điều khiển cầu kéo sẽ khởi động máy, vào số. Sau đó, dây thừng sẽ kéo tấm ván gỗ từ từ về phía phương tiện chờ sẵn, rồi nâng và kéo xuồng, vỏ lãi qua đập một cách dễ dàng, quy trình này chỉ mất 2-3 phút là xong một lượt.
“Đối với phương tiện đi lại không chở hàng hóa, mỗi lượt qua lại 5.000 đồng, còn chở hàng hóa nặng, mỗi lượt 10.000 đồng. Trung bình tôi có thể kiếm được khoảng 200.000-300.000 đồng/ngày, dịp Tết người dân đi lại còn nhiều hơn”, anh Hoàng cho hay.
Video: Phương tiện qua lại cầu kéo ở Bạc Liêu