Chủ đề Ngày thị giác thế giới năm nay hướng tới an toàn mắt khi lao động, cảnh báo người dân về tầm quan trọng phải bảo vệ mắt trong quá trình lao động, kêu gọi người sử dụng lao động ưu tiên chăm sóc mắt cho người lao động mọi nơi, mọi lúc.
Tai nạn mắt thường đi kèm với giảm thị lực hoặc mù lòa. Để phòng tránh tai nạn mắt, người lao động và sử dụng lao động cần lưu ý thực hiện 4 biện pháp chính: nâng cao hiểu biết về nguy cơ mất an toàn với mắt khi lao động; loại bỏ nguy cơ chấn thương khi thao tác với điều khiển và thao tác với máy móc, động cơ…; mang phương tiện bảo vệ mắt phù hợp; giữ gìn phương tiện bảo vệ mắt cẩn thận và thay thế nếu chúng nếu bị hư hại.
Tai nạn nghề nghiệp gây thương tích cho mắt chiếm hơn 1/3 tổng số chấn thương. Trong đó, nam giới trẻ chiếm 96,3% (trong nhóm này 89,1% các trường hợp chấn thương nhãn cầu xảy ra trong khi làm việc, trong bối cảnh không đeo kính bảo hộ). Chấn thương mắt cũng có thể xảy ra tại nhà do tai nạn sinh hoạt.
Theo Bệnh viện Mắt T.Ư, VN hiện có khoảng 2 triệu người mù lòa; khoảng 1/3 trong số đó khó tiếp cận điều trị. Trên 80% người mù ở VN có thể phòng, chữa được.
Các nguyên nhân gây mù chính hiện nay qua điều tra cho thấy đục thể thủy tinh vẫn là nguyên nhân chủ yếu, chiếm tới 66%. Tiếp đó là các bệnh lý đáy mắt, bệnh glôcôm, tật khúc xạ…
Đáng chú ý, tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) ngày càng phổ biến trong thanh thiếu niên, với tỷ lệ mắc khoảng 15 – 20% ở học sinh nông thôn, 30 – 40% ở thành phố.
Nếu tính riêng nhóm trẻ từ 6 – 15 tuổi (lứa tuổi cần ưu tiên được chỉnh kính), cả nước có khoảng gần 15 triệu em, với tỷ lệ mắc các tật khúc xạ khoảng 20% thì VN ước tính gần 3 triệu em mắc tật khúc xạ cần chỉnh kính, trong đó có tới 2/3 cận thị. Việc khám và cấp kính cho trẻ em mắc tật khúc xạ (cận, viễn, loạn thị) là một trong những biện pháp can thiệp rẻ tiền và có hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ mù lòa.