17 tuyến xe buýt kết nối metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) được kỳ vọng sẽ thu hút người dân sử dụng, nhất là khi tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP đưa vào khai thác.
Ngày 20/12, Trung tâm quản lý giao thông công cộng (Sở GTVT TP.HCM) phối hợp cùng Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang – FUTA Bus Lines tổ chức lễ khai trương 17 tuyến xe buýt kết nối metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).
Bà Nguyễn Thị Dạ Thảo, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông cộng TP.HCM cho biết, 17 tuyến buýt điện được thiết kế để kết nối trực tiếp với các nhà ga metro số 1, giúp người dân dễ dàng di chuyển giữa các khu vực đô thị và ngoại ô.
Những tuyến xe buýt này cũng tiếp cận nhiều địa điểm quan trọng như khu dân cư, trường học, trung tâm thương mại và khu công nghiệp, góp phần tăng độ bao phủ mạng lưới xe buýt thành phố.
Đặc biệt, 17 tuyến có nhận diện riêng, đặc trưng để người dân dễ nhận biết, với thiết kế xe buýt điện có màu chủ đạo là xanh và vàng, màu sắc bên ngoài xe cách điệu thành các đường lượn sóng. Số hiệu tuyến và tên tuyến hiển thị bằng đèn led phía trước và sau xe. Bên cạnh đó, họa tiết hoa hướng dương và dòng chữ “xe buýt điện” để dễ nhận diện.
“Xe buýt điện hoạt động trên 17 tuyến gồm 150 xe buýt điện được đầu tư mới, có sức chứa 30 và 60 chỗ, đa số kích thước nhỏ gọn đi vào được các đường nhỏ. Trên xe có trang bị nhiều tiện ích camera, GPS, wifi miễn phí, thiết bị thông báo trạm tự động, hệ thống thanh toán không tiền mặt…”, bà Thảo nói.
Cũng theo bà Thảo, trong 30 ngày đầu khi tuyến metro số 1 chính thức vận hành, hành khách sử dụng 17 tuyến xe buýt này sẽ được miễn phí vé, đồng bộ với metro số 1. Các tuyến buýt điện hoạt động từ 5 – 22h theo khung giờ hoạt động của tuyến metro số 1, giãn cách chuyến từ 8 – 20 phút/chuyến.
Dọc các tuyến metro, Trung tâm quản lý giao thông công cộng cũng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 5 bãi giữ xe 2 bánh cho người dân tại khu vực các ga Văn Thánh, Thảo Điền, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái với tổng sức chứa khoảng hơn 2.000 xe.
Để tăng cường kết nối các loại hình vận tải hành khách công cộng với tuyến metro số 1, ngoài hệ thống xe buýt nêu trên còn có các phương tiện khác kết nối trực tiếp tại khu vực các nhà ga như: xe đạp công cộng, xe điện (xe bốn bánh chạy bằng năng lượng điện), taxi, xe công nghệ bốn bánh – hai bánh nhằm tăng sự tiện lợi cho người dân, hành khách khi sử dụng tuyến metro số 1.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM chia sẻ, TP.HCM là một siêu đô thị với mật độ dân cư đông đúc, do đó, để giải quyết bài toán giao thông buộc phải phát triển giao thông công cộng.
Việc đưa 17 tuyến xe buýt điện vào hoạt động nằm trong định hướng chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng xanh của TP.HCM. Theo đó, đến năm 2030, toàn bộ xe buýt trên địa bàn thành phố sẽ chuyển đổi thành xe buýt xanh. Trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ nghiên cứu để trình HĐND TP.HCM các chính sách để phát triển xe buýt điện nhanh hơn nữa, bao gồm đầu tư hệ thống trạm sạc, cơ chế đầu tư, hỗ trợ lãi vay, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xe buýt diesel hiện nay sang xe điện trên toàn bộ mạng lưới.
Ông Lâm nhận định, để 17 tuyến xe buýt điện kết nối metro số 1 hoạt động hiệu quả như mong đợi, phải có sự nỗ lực hơn nữa từ nhiều phía, đặc biệt là sự hợp tác và ủng hộ của người dân. Theo ông Lâm, giao thông công cộng là một dịch vụ công, do đó, việc tạo sự hài lòng cho người dân phải bắt đầu từ đội ngũ nhân viên phục vụ. Sự niềm nở, văn minh, lịch sự, và đảm bảo an toàn là những yếu tố quan trọng, góp phần xây dựng văn hóa giao thông hiện đại và thân thiện.
Ông Lâm kỳ vọng, với những nỗ lực của thành phố trong việc phát triển giao thông công cộng, người dân sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong di chuyển; đặc biệt là thu hút, đưa người dân đến với giao thông công cộng nhiều hơn để giảm sử dụng xe cá nhân. Qua đó, giúp giảm tình trạng ùn tắc, kẹt xe và ô nhiễm môi trường…
Về phía đơn vị trúng thầu khai thác 17 tuyến xe buýt điện, ông Đào Viết Ánh, Phó tổng giám đốc Futa Group cho biết, Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang – FUTA Bus Lines rất quyết tâm trong xu hướng giao thông công cộng xanh, hướng đến giảm thiểu tác động môi trường và cải thiện chất lượng vận tải hành khách công cộng.
Việc đưa vào khai thác, vận hành 17 tuyến xe buýt điện có trợ giá tại TP.HCM sẽ giúp người dân thêm chọn lựa dịch vụ vận chuyển chất lượng cao; việc kết nối trực tiếp với tuyến metro số 1 cũng hứa hẹn nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống giao thông công cộng, đồng thời mang đến sự thuận tiện vượt trội, góp phần xây dựng một đô thị hiện đại và bền vững cho người dân TP.HCM.
Cũng theo ông Ánh, đơn vị đã đầu tư hệ thống trạm sạc hiện đại, bài bản, đảm bảo tuyến buýt điện vận hành ổn định, tối ưu chi phí, giảm thiểu gánh nặng trợ giá từ ngân sách nhà nước.
“Sự kiện khai trương 17 tuyến xe buýt thuần điện lần này không chỉ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hành trình phát triển giao thông công cộng của thành phố, mà còn khẳng định cam kết mạnh mẽ của Công ty Phương Trang trong việc đồng hành cùng chính quyền TP.HCM thúc đẩy một tương lai giao thông xanh, bền vững và thân thiện với môi trường”, ông Ánh khẳng định.
Sở GTVT TP.HCM thống nhất đề xuất của Trung tâm quản lý giao thông công cộng về thời gian vận hành chính thức 17 tuyến xe buýt điện. Theo đó, từ 9h30 ngày 22/12, 17 tuyến xe buýt điện sẽ vận hàng, chở người dân di chuyển và kết nối các ga tuyến metro số 1.
17 tuyến xe buýt điện mở mới được trợ giá, miễn phí vé cho hành khách là trẻ em cao từ 1,3m trở xuống, thương binh, bệnh binh (có xuất trình thẻ thương binh, bệnh binh), người khuyết tật (có xuất trình thẻ đi xe buýt miễn phí), người cao tuổi (có xuất trình giấy tờ chứng minh từ đủ 70 tuổi trở lên) và người có thẻ đi xe buýt miễn phí do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/khai-truong-17-tuyen-xe-buyt-dien-ket-noi-cac-nha-ga-metro-so-1-192241220122114581.htm