Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang-Lâm Bình thuộc huyện Na Hang và huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, được nhắc đến như một điểm sáng với nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch. Được tạo hóa ban tặng những cảnh sắc hùng vĩ, hệ thống rừng nguyên sinh, thảm thực vật phong phú và cộng đồng văn hóa đa dạng đậm đà bản sắc dân tộc, hai huyện Na Hang và Lâm Bình đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang – Lâm Bình nằm giữa những cánh rừng đại ngàn dọc đôi bờ sông Gâm và sông Năng, nơi đây có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm, nhiều hang động kỳ thú; những thác nước tự nhiên thơ mộng, cảnh quan thiên nhiên huyền ảo, khí hậu trong lành và nhiều phong tục văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số Tày, Dao, H’Mông, Pà Thẻn… Khu bảo tồn được phân bố ở các xã Lăng Can, Khuôn Hà, Thượng Lâm, Phúc Yên (huyện Lâm Bình) và Năng Khả, Thanh Tương, Sơn Phú, Hồng Thái, Thượng Nông, Thượng Giáp, Yên Hoa, Côn Lôn, Sinh Long, Khâu Tinh, thị trấn Na Hang (huyện Na Hang).
Chị Đinh Trà My, hướng dẫn viên du lịch Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang – Lâm Bình cho biết, đến với khu bảo tồn, du khách chắc chắn sẽ không bỏ lỡ cơ hội đi thuyền trên hồ thủy điện Tuyên Quang với diện tích mặt nước hơn 8.000 ha, để được đắm mình với thiên nhiên mênh mông sông nước, trùng điệp núi rừng, được nghe những câu chuyện kể về sự tích gắn với từng địa danh nơi đây. Trên đường vãn cảnh lòng hồ, du khách sẽ được ghé thăm thác Mơ được xếp hạng là thắng cảnh quốc gia.
Những cánh rừng nguyên sinh có cây nghiến nghìn năm tuổi và loài voọc mũi hếch được ghi trong Sách đỏ thế giới. Đi dọc sông từ xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình giữa cảnh sông nước núi non hùng vĩ, là sừng sững chiếc “cọc Vài” đá (tiếng Tày nghĩa là cọc buộc trâu) gắn với sự tích chàng Tài Ngào. Từ đoạn hợp lưu giữa sông Gâm với sông Năng là một vùng sông nước, núi non hùng vĩ với những bóng cây cổ thụ của những cánh rừng nguyên sinh đổ xuống mặt nước.
Anh Nguyễn Hồng Quang, khách du lịch đến từ quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội bày tỏ, khi đến với Khu du lịch sinh thái Na Hang-Lâm Bình, anh rất bất ngờ và ngỡ ngàng trước cảnh đẹp, vẻ hoang sơ, thuần khiết của những cánh rừng nguyên sinh, những dòng thác đổ xuống bọt trắng xóa. Khí hậu ở đây rất mát mẻ, dễ chịu và trong lành. Anh còn được tham gia đua bè mảng của người Tày và đây là trải nghiệm rất khó quên khi đến với Na Hang.
Làng văn hóa du lịch thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, là điểm đến hấp dẫn du khách. Tựa mình bên những dãy núi đá vôi trùng trùng điệp điệp, nghiêng soi bên hồ sinh thái Na Hang-Lâm Bình, những homestay được xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Tày khiến du khách cảm thấy thích thú.
Anh Hoàng Văn Minh, chủ homestay Tài Ngào, Làng văn hóa du lịch thôn Nà Tông, cho biết: Tại cơ sở lưu trú của tôi, từng chi tiết nhỏ nhất như chiếc cốc, móc áo bằng tre cũng được chăm chút, giữ đúng truyền thống của người dân địa phương. Với mong muốn giúp du khách được hòa mình vào cuộc sống ở nơi đây, homestay còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm cộng đồng như: Giã bánh dày, chơi những trò chơi như đánh pam, đánh yến, giao lưu văn hóa văn nghệ, đốt lửa trại, nhảy sạp, nghe hát then, đạp xe tham quan bản làng và thưởng thức các món ăn đặc sản của dân tộc. Mỗi tháng, homestay của tôi đón khoảng hơn 1.000 lượt khách đến lưu trú, nghỉ dưỡng.
Đồng chí Lê Thế Đạt, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết: Để hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, huyện đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, xây dựng hạ tầng giao thông và hạ tầng thiết yếu như: Bến thủy, xây dựng Làng Văn hóa du lịch… Bước đầu đã hình thành các khu, điểm du lịch, sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện, nổi bật là du lịch cộng đồng với gần 60 hộ đang hoạt động. Huyện cũng đã xây dựng trên 20 điểm check in, dừng chân tại các địa điểm phù hợp để du khách trải nghiệm và chụp ảnh lưu niệm. Kết nối hơn 200 công ty du lịch, chủ động liên kết, hợp tác phát triển du lịch.
Hướng đến xây dựng Lâm Bình là điểm đến “an toàn – hấp dẫn – thân thiện”; góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lâm Bình lần thứ 2, nhiệm kỳ 2020-2025 về đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, bền vững.
Để khai thác các tiềm năng, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương, đồng chí Tô Viết Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết, huyện sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 35 của Ban Thường vụ Huyện ủy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện giai đoạn 2021-2025. Tổ chức các hoạt động quảng bá, mời gọi chuyên gia tư vấn việc phát triển du lịch một cách bài bản, bền vững; khai thác có hiệu quả danh lam thắng cảnh Di tích Quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang-Lâm Bình, lấy du lịch sinh thái thiên nhiên là trung tâm để phát triển các chuỗi sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm, du lịch sinh thái rừng, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc.
Huyện phấn đấu đến năm 2025, xây dựng danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang-Lâm Bình là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu quốc gia, tiến tới thương hiệu quốc tế.
Từ đầu năm đến nay, huyện Na Hang và Lâm Bình đã thu hút hơn 552.000 lượt khách du lịch; doanh thu đạt hơn 677 tỷ đồng. Hai huyện phấn đấu trong năm 2025, sẽ đón hơn 550.000 lượt khách (Na Hang 350.000 lượt; Lâm Bình 200.000 lượt), doanh thu xã hội đạt trên 770 tỷ đồng (Na Hang 430 tỷ đồng; Lâm Bình 340 tỷ đồng).
Nguồn: https://nhandan.vn/khai-thac-tiem-nang-the-manh-khu-du-lich-na-hang-lam-binh-post847128.html