PV: Là tỉnh có tiềm năng phát triển kinh tế biển, Ninh Thuận có những chiến lược cụ thể nào để thúc đẩy phát triển kinh tế biển xanh, thưa ông?
Ông Hồ Xuân Ninh: Một trong những Nghị quyết, Đề án cụ thể nhất về phát triển kinh tế biển có thể kể đến là Chương trình hành động số 246-CTr/TU ngày 02/01/2019 của Tỉnh ủy Ninh Thuận về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám BCH Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 495/QĐ-UBND ngày 11/8/2022 của UBND tỉnh về phê duyệt đề án Phát triển kinh tế biển tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; với các mục tiêu đề ra: “Phát triển Ninh Thuận trở thành tỉnh mạnh về biển trong khu vực, tập trung huy động mọi nguồn lực để kinh tế biển trở thành động lực phát triển; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin…”.
Đặc biệt, ngày 27/8/2023, UBND tỉnh có Văn bản số 4225/STNMT-PB về việc trình ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 03/4/2023 của Chính phủ về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Kế hoạch đặt mục tiêu: Khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên biển, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; bảo vệ môi trường biển; bảo vệ, phục hồi đa dạng sinh học, các giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa; chủ động phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng…
PV: Xin ông cho biết quan điểm của tỉnh trong chiến lược phát triển kinh tế biển nhằm định hướng khai thác và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên để thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững?
Ông Hồ Xuân Ninh: Vùng biển Ninh Thuận có đặc điểm nhiều nắng và gió, có nhiệt độ cao, cường độ bức xạ lớn, thời tiết nắng quanh năm. Ninh Thuận cũng là địa phương có hệ sinh thái biển phong phú, đa dạng; đã được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa thuộc huyện Ninh Hải với tổng diện tích 106.646ha, bao gồm cả rừng, biển, bán sa mạc – nơi có hệ sinh thái rừng khô hạn độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á. Tài nguyên Biển Ninh Thuận thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; nuôi trồng, khai thác hải sản; sản xuất muối công nghiệp quy mô lớn; phát triển năng lượng sạch: điện gió, điện mặt trời; xây dựng cảng nước sâu; phát triển công nghiệp ven biển.
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế biển xanh – bền vững, quan điểm của tỉnh trong chiến lược phát triển đặt ra yêu cầu: Ô nhiễm môi trường biển phải được kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu; các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền và trên biển, sự cố môi trường biển, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương được quan trắc, kiểm soát và quản lý hiệu quả. Đến năm 2030, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt tại các xã, phường ven biển được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% dự án ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, có hệ thống xử lý nước thải, khí thải và chất thải rắn đạt chuẩn.
Khai thác phải đi đôi với quản lý, bảo tồn tài nguyên biển và phục hồi đa dạng sinh học. Một trong những mục tiêu trọng điểm cần phát triển, bảo tồn đó là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa và các hệ sinh thái, đặc biệt là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển.
Đồng thời, phải tăng cường ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng dựa vào sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển cùng với năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu và tác động của nước biển dâng để phát triển hiệu quả và bảo vệ thành quả phát triển…
Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2030, tài nguyên biển được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển và khu vực ven biển, nhất là phát triển các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: Phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo; Phát triển đô thị, du lịch biển và các loại hình dịch vụ biển; Phát triển công nghiệp ven biển; Phát triển đồng bộ khai thác và nuôi trồng thủy hải sản; Kinh tế hàng hải; Khai thác tài nguyên khoáng sản biển khác.
PV: Phát triển kinh tế biển xanh cần sự kết hợp giữa các ngành công nghiệp, nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Tỉnh Ninh Thuận đã xác định giải pháp, nhiệm vụ cụ thể nào để tạo ra sự cân bằng, đảm bảo việc khai thác không gây hại đến nguồn tài nguyên biển, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế biển xanh bền vững, thưa ông?
Ông Hồ Xuân Ninh: Để phát triển hiệu quả, UBND tỉnh đã đề ra một số giải pháp, nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, về phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo: xác định năng lượng là lĩnh vực đột phá, quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế biển; tập trung phát triển hướng ra biển, xúc tiến đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi, điện gió ven biển theo hướng công nghệ mới gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; tập trung hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án Tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Cà Ná giai đoạn 1 quy mô 1.500MW. Phấn đấu đến năm 2025, ngành năng lượng ven biển chiếm 35 – 36% trong kinh tế biển.
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa du lịch biển trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế; tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, hình thành và khai thác hiệu quả tuyến du lịch Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa với các tuyến du lịch quốc gia, gắn với phát huy, bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đặc sắc, nhằm phát huy thế mạnh, cảnh quan thiên nhiên đa dạng mang những nét đặc trưng riêng của Ninh Thuận. Mục tiêu đến năm 2030, du lịch Ninh Thuận thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững trở thành điểm đến du lịch đặc biệt hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao so với khu vực và cả nước.
Phát triển công nghiệp ven biển theo hướng ưu tiên thu hút đầu tư các dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao thân thiện môi trường gắn với phát triển ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghiệp cơ khí chế tạo, chế biến thủy sản, công nghiệp hóa chất, sản xuất muối, sản phẩm sau muối, công nghiệp sửa chữa và đóng tàu…
Phát triển kinh tế hàng hải: Hoàn thành đầu tư Cảng biển tổng hợp Cà Ná, hình thành Cảng cạn và Trung tâm dịch vụ Logistics, xây dựng hoàn thiện các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển với các tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, đường sắt Bắc – Nam, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 27…
Bảo vệ môi trường biển, bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa và các hệ sinh thái, đặc biệt là các rạn san hô, thảm có biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển. Phát triển đồng bộ giữa khai thác với nuôi trồng thủy sản theo hướng hướng mạnh ra biển; nuôi biển gắn với chế biến thủy sản; cơ cấu lại nghề khai thác hải sản theo hướng đánh bắt xa bờ, hiệu quả, bền vững, tham gia bảo vệ quốc phòng an ninh vùng biển đảo của Tổ quốc.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!