Hiện trữ lượng khai thác nước dưới đất tại H.Nhơn Trạch đã vượt mức an toàn khoảng 58 ngàn m3/ngày. Đáng nói, đây là một trong 3 địa phương có nguồn nước ngầm nhiễm kim loại nặng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi kiểm tra tại nhà máy xử lý nước sạch của Công ty IDICO. Ảnh: H.LỘC |
Do đó, cần có các giải pháp giảm, tiến tới ngưng khai thác nước ngầm trên địa bàn huyện.
* Vượt mức an toàn
Từ nhiều năm trước, H.Nhơn Trạch đã bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Chính vì điều này, người dân, doanh nghiệp (DN) đã khoan giếng lấy nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Vì khai thác nhiều trong thời gian dài, không theo quy hoạch đã dẫn đến vượt mức an toàn.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị và khu công nghiệp (KCN) IDICO Đoàn Minh Quân cho biết, DN hiện có 2 giấy phép khai thác nước ngầm với tổng cộng 42 giếng, công suất khai thác 23 ngàn m3/ngày và cấp nước sạch cho 2 KCN Nhơn Trạch 1 và Nhơn Trạch 5. Ngoài ra, công ty có 2 giếng dự phòng. Cũng theo ông Quân, hiện công suất khai thác bình quân mới ở mức khoảng 16/23 ngàn m3/ngày, chưa vượt công suất được cấp.
Trong khi đó, theo Sở TN-MT, năm 2022, IDICO bị Thanh tra Bộ TN-MT ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính do chưa tuân thủ các quy định về khai thác, sử dụng nước dưới đất.
H.Nhơn Trạch hiện có 5 giấy phép khai thác nước ngầm quy mô lớn: Công ty IDICO có 2 giấy phép do Bộ TN-MT cấp; HTX Thương mại dịch vụ Phước Khánh, HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Đông và Công ty CP Cấp nước Nhơn Trạch, mỗi đơn vị 1 giấy phép do UBND tỉnh cấp.
|
Công ty CP Cấp nước Nhơn Trạch đang có công trình khai thác nước ngầm công suất 6,2 ngàn m3 tại xã Đại Phước. Theo ông Ngô Dương Đại, Giám đốc công ty, thời điểm trước năm 2020, khu vực các xã: Đại Phước, Phú Hữu và Phú Đông, nguồn nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn nặng. Trong khi đó, hạ tầng cấp nước sạch tập trung (nước máy) chưa đến được, cấp nước sạch nông thôn không đủ. Để giải quyết nhu cầu bức thiết của người dân, công ty xin phép khoan giếng, đầu tư nhà máy xử lý để cấp nước cho người dân.
Hiện nay, một số nơi tại H.Nhơn Trạch đã xuất hiện tình trạng cạn kiệt nguồn nước, ô nhiễm kim loại nặng. Đặc biệt, phát hiện có chất phóng xạ có thể gây nguy hiểm cho con người khi uống trực tiếp.
Kết quả quan trắc chất lượng nước dưới đất năm 2022 tại H.Nhơn Trạch cho thấy, công trình cấp nước tại xã Đại Phước và các công trình khác có thông số nitrat vượt từ 1,1-2,3 lần; chì vượt 1,2-1,7 lần; sắt vượt từ 2,2-6,4 lần… so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.
Theo Sở TN-MT, H.Nhơn Trạch có 14 công trình đang suy giảm về mực nước và chất lượng nước. Cụ thể, mực nước hạ thấp vào mùa khô, chất lượng nước dưới đất thường có thông số pH và kim loại nặng không đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dưới đất.
* Tiến đến dừng khai thác nước ngầm
Ông Hứa Quốc Bách, Phó trưởng phòng phụ trách phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và biến đổi khí hậu (Sở TN-MT) cho biết, cả 5 giấy phép khai thác nước ngầm quy mô lớn ở H.Nhơn Trạch đều có thời hạn chậm nhất là 31-12-2025. Cuối năm 2022, Sở TN-MT đã có báo cáo và UBND tỉnh có văn bản tiếp tục kiến nghị Bộ TN-MT không gia hạn cho 2 giấy phép của Công ty IDICO, không cấp phép khai thác mới nước dưới đất trên địa bàn Đồng Nai tại các khu vực đã có nước máy.
Đối với các giấy phép do UBND tỉnh cấp, tỉnh cũng yêu cầu hết thời hạn phải thực hiện đóng cửa, trám lấp giếng, đấu nối nguồn nước máy để phân phối.
“Ngoài việc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền không gia hạn giấy phép, Sở TN-MT gửi kết quả chất lượng nước năm 2022 đến UBND H.Nhơn Trạch để chỉ đạo UBND các xã, trị trấn khuyến cáo người dân không sử dụng nước dưới đất. Thay vào đó sử dụng nguồn nước cấp tập trung nhằm bảo vệ sức khỏe, góp phần phục hồi chất lượng và trữ lượng nước ngầm” – ông Bách chia sẻ.
Hiện nay, do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và khai thác tràn lan, nước ngầm nhiều nơi trên địa bàn tỉnh bị sụt giảm, ô nhiễm. Để bảo vệ nguồn nước dưới đất, từ năm 2018, UBND tỉnh đã không cấp phép khai thác nước dưới đất ở các khu vực đã có nước máy. Hiện tại, H.Nhơn Trạch đã có 3 đơn vị cung ứng nước máy với tổng công suất 250 ngàn m3/ngày đêm, công suất khai thác thực tế mới khoảng 50%. Phần công suất còn lại đủ đáp ứng nhu cầu của toàn huyện. Chính vì vậy, hoàn toàn có thể ngưng khai thác nước ngầm.
Đi khảo sát tình hình quản lý, sử dụng và khai thác tài nguyên nước trên địa bàn H.Nhơn Trạch mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, nguồn nước ngầm nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đang suy giảm cả chất lẫn lượng. Trong khi đó, lượng mưa hàng năm không đủ bổ sung, tái tạo nước.
Tại H.Nhơn Trạch, hệ thống nước máy đã đến hàng rào các KCN, công suất và chất lượng nước đều đảm bảo, nên việc đóng các giếng khoan trong KCN là phù hợp. Các đơn vị khai thác nước ngầm phải xây dựng kế hoạch, thực hiện đóng giếng khi hết thời hạn. Trám lấp giếng và chuyển đổi công năng nhà máy xử lý nước. Các giếng khai thác nước phục vụ sinh hoạt cũng phải đóng cửa theo đề án cấp nước giai đoạn 2021-2025 của tỉnh.
Đại diện Phòng Quản lý đô thị H.Nhơn Trạch cho biết, địa phương đang tiếp tục vận động người dân, các DN đầu tư trên địa bàn đồng hành trong đầu tư hạ tầng nước sạch. Ngoài ra, huyện vận dụng các quy định của UBND tỉnh hỗ trợ 70% ngân sách cho DN đầu tư tuyến cấp nước nhánh rẽ… Huyện cũng cân đối nguồn ngân sách cùng với nhà đầu tư làm đường ống cấp nước chính nhằm đẩy nhanh tiến độ bao phủ mạng lưới nước sạch. Vận động người dân dùng nước máy vừa bảo vệ sức khỏe, vừa giảm tác động tiêu cực đến nguồn tài nguyên này.
Hoàng Lộc
.