Dựa trên những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Lâm Đồng đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; đồng hành và giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư nhằm thu hút thêm nguồn vốn đầu tư chất lượng, góp phần tạo động lực tăng trưởng của tỉnh.
Thành phố Đà Lạt là Trung tâm hành chính kinh tế của tỉnh Lâm Đồng. |
Lâm Đồng là tỉnh nằm ở khu vực Nam Tây Nguyên có độ cao chênh lệch từ 300 đến 1.500m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình từ 18-25oC với diện tích 9.781,20 km2. Phía Nam và Đông Nam giáp tỉnh Bình Thuận; phía Đông giáp tỉnh Khánh Hòa – tỉnh Ninh Thuận; phía Bắc giáp tỉnh Đắk Lắk – Đắk Nông và phía Tây Nam giáp tỉnh Đồng Nai – tỉnh Bình Phước.
Lâm Đồng có 12 đơn vị hành chính gồm hai thành phố và 10 huyện; thành phố Đà Lạt là Trung tâm hành chính kinh tế của tỉnh. Dân số toàn tỉnh trên 1,3 triệu người với 43 dân tộc sinh sống. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – là Khu vực năng động có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và là thị trường có nhiều tiềm năng lớn, Lâm Đồng có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế – xã hội.
Hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế-xã hội
Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến khó khăn, thách thức mới, nhờ sự hỗ trợ của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy và sự vào cuộc quyết liệt, linh hoạt, hợp lý của cả hệ thống chính trị, năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 bắt đầu được kiểm soát hiệu quả, tạo tiền đề thúc đẩy các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phục hồi và phát triển mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức so với kế hoạch đề ra tại Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, góp phần bù đắp những chỉ tiêu chưa đạt năm 2021 do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Tổng sản phẩm trong nước GRDP tăng 12,09%; trong đó: khu vực nông lâm thủy tăng 5,02%; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 9,55%; khu vực dịch vụ tăng 21,21%. Về cơ cấu kinh tế, ngành nông lâm thủy chiếm 38,62%, ngành công nghiệp xây dựng chiếm 20,38%, ngành dịch vụ chiếm 41%.
GRDP bình quân đầu người 77,67 triệu đồng; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 16,5%. Tổng thu NSNN trên địa bàn 13.200 tỷ đồng, tăng 19,89%, bằng 120% dự toán địa phương; trong đó, thu từ thuế, phí 8.313 tỷ đồng, tăng 25,2%, đạt 131,9% dự toán địa phương.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2022 đạt 886,7 triệu USD, tăng 27,3% so cùng kỳ. Khách du lịch đạt 7 triệu lượt khách, tăng 340% so cùng kỳ; trong đó: khách quốc tế 150 ngàn lượt khách, đạt 100% kế hoạch, tăng 700%; khách qua đăng ký lưu trú 5,5 triệu lượt khách, đạt 110% kế hoạch, 300% so cùng kỳ.
Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 23.565 tỷ đồng, tăng 15,3%, đạt 110,3% kế hoạch; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 13,2% . Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu đạt mức tăng trưởng khá. Riêng tháng 12/2022, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tăng 1,79% so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 13,46%, sản xuất và phân phối điện khí đốt, nước nóng hơi nước và điều hòa không khí tăng 0,93%…
Lâm Đồng tiếp tục phát triển các chuỗi liên kết trong hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu với các nhóm sản phẩm chủ lực như: chè, cà phê, tơ tằm, hoa, rau củ quả, dược liệu…theo Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 25/5/2022 của Tỉnh uỷ về phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Hồ Xuân Hương về đêm. |
Với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã đạt được những kết quả tích cực, nằm trong nhóm những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước và được Thủ tướng Chính phủ biểu dương tại Công điện số 1076/CĐ-TTg ngày 10/11/2022. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 đã phân bổ, giao kế hoạch là 6.487,3 tỷ đồng (gồm: kế hoạch giao năm 2022: 5.764,5 tỷ đồng và vốn kéo dài năm 2021 chuyển sang: 722,8 tỷ đồng); giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt trên 95%.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thường xuyên kiến nghị, làm việc với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm và đạt nhiều kết quả tích cực như: dự án đường cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) – Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1386/QĐTTg ngày 10/11/2022, với quy mô chiều dài 66km, tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng; dự án đường cao tốc đoạn Bảo Lộc – Liên Khương có chiều dài 73,6km, tổng mức đầu tư khoảng 19.520 tỷ đồng, Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại 7 Nghị quyết số 151/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 và khởi công các dự án trong năm 2023.
Phát huy nội lực, đẩy mạnh thu hút đầu tư từ bên ngoài
Năm 2022, toàn tỉnh thu hút được 23 dự án, vốn đăng ký khoảng 19.690 tỷ đồng (trong đó, thu hút được 2 dự án sản xuất điện từ năng lượng gió với tổng mức đầu tư 4.500 tỷ đồng); nâng tổng số dự án toàn tỉnh lên 977 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 146.052 tỷ đồng. Một số dự án lớn hoàn thành đưa vào hoạt động trong năm 2022, như: Tổ hợp Trung tâm thương mại và Khách sạn Hoàng Đế; Nhà máy thuỷ điện Đại Bình, tổng vốn đầu tư 1.286 tỷ đồng…
Về đầu tư nước ngoài (FDI), toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 98 dự án vốn FDI đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu là Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đầu tư với tổng vốn khoảng 12.570 tỷ đồng (tương đương 551 triệu USD), với quy mô diện tích 2.234,8 ha.
Việc thu hút đầu tư các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh Lâm Đồng. Phần lớn các dự án đầu tư vào Lâm Đồng là những dự án nhỏ, đầu tư chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp kết hợp với sơ chế; trong đó 90 dự án có vốn FDI đã hoàn thành toàn bộ và đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; 4 dự án FDI hoàn thành một phần và đưa vào hoạt động. Tính đến nay, tổng vốn đầu tư FDI đã triển khai trên đất Lâm Đồng khoảng 9.251 tỷ đồng, bằng 73,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Hồ Tuyền Lâm. |
Để phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập, tỉnh xác định bên cạnh phát huy nội lực, việc thu hút các nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài là hết sức quan trọng. Vì vậy Lâm Đồng kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ khối các quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới (G7) đến tìm hiểu, đầu tư vào các lĩnh vực lợi thế của tỉnh trên nguyên tắc hợp tác bình đẳng, góp phần tạo bước đột phá, thúc đẩy kinh tế Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững.
UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, triển khai dự án của doanh nghiệp; đẩy nhanh xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh. Các địa phương đã chủ động rà soát quỹ đất, các khu vực có khả năng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đề đề xuất dự án hoặc lập quy hoạch (đối với khu vực chưa có quy hoạch).