(TN&MT) – Những năm qua, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Sơn La luôn được các cấp các ngành quan tâm thực hiện nghiêm, tuân thủ nguyên tắc: Hoạt động khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, toàn tỉnh hiện có 86 mỏ khoáng sản rắn công nghiệp và phân tán nhỏ lẻ, than bùn; 29 mỏ nước khoáng, nước nóng. Trong đó: 12 mỏ đã cấp phép hoạt động; 10 mỏ đang hoàn thiện thủ tục thăm dò; 17 mỏ đã có nhà đầu tư quan tâm; 47 mỏ chưa có nhà đầu tư quan tâm.
Tăng cường phối hợp trong quản lý khoáng sản
Giai đoạn 2020-2023, Sơn La đã ban hành 96 văn bản chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, tập trung vào lập quy hoạch, quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
Xây dựng, ban hành quy chế phối hợp giữa các sở, ban ngành, các huyện thành phố về khoáng sản. Ký kết quy chế phối hợp trong quản lý cát, sỏi lòng sống với 4 tỉnh giáp ranh Yên Bái, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu.
Từ năm 2021, UBND tỉnh đã tổ chức ký cam kết giữa Chủ tịch UBND 12 huyện, thành phố với Chủ tịch UBND tỉnh; giữa các chủ đầu tư khai thác khoáng sản với Chủ tịch UBND tỉnh về công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tại cấp huyện đã tổ chức ký cam kết giữa Chủ tịch UBND xã, thị trấn với Chủ tịch UBND huyện về quản lý tài nguyên, môi trường; triển khai các nội dung cam kết đến từng xã, bản, tiểu khu.
Đẩy mạnh, coi công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản là nhiệm vụ trọng tâm, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản và nhân dân địa phương nơi có mỏ khoáng sản; giảm thiểu các hoạt động khoáng sản trái phép, tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân.
Công khai hóa các thủ tục, quy trình, nội dung hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Trong năm 2022, đã cấp 6 giấy phép thăm dò, 1 giấy phép khai thác, gia hạn 1 giấy phép khai thác. Phê duyệt 4 báo cáo kết quả thăm dò; 4 đề án đóng cửa mỏ; ban hành 2 quyết định đóng cửa mỏ; 100% hồ sơ đảm bảo thời gian thẩm định.
Chú trọng thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm. Năm 2022, toàn tỉnh đã triển khai 73 cuộc thanh, kiểm tra, xử phạt 96 tổ chức, cá nhân với số tiền trên 6,6 tỷ đồng. Khởi tố 1 vụ vi phạm về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; thu hồi 1 Giấy phép khai thác đá vôi làm VLXD thông thường.
Kiên quyết không cấp phép mỏ có trữ lượng nhỏ
Ông Nguyễn Tiến Dương, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La đánh giá: Nhìn chung, các đơn vị hoạt động khoáng sản đã quan tâm đến quy trình, kỹ thuật khai thác, quy định về bảo vệ, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản.
Tuy nhiên, hoạt động khoáng sản về cơ bản vẫn nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả chưa cao. Vẫn còn đơn vị khai thác không đúng thiết kế, chưa đầu tư xây dựng các công trình xử lý môi trường, chưa quan tâm tuyển dụng đào tạo cán bộ có chuyên môn về địa chất, khai thác mỏ. Một số mỏ khai thác không theo quy định, kế hoạch; có hiện tượng mua đi, bán lại các mỏ…
Để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động khoáng sản, UBND tỉnh yêu cầu, hoạt động khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư. Áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản.
Trên cơ sở đó, giao Sở TN&MT chủ trì, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản. Quản lý, kiểm soát chặt hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của các doanh nghiệp đã được cấp phép.
Rà soát, kiểm tra các trường hợp đã và đang thực hiện các thủ tục chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát, không để xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép.
Kiên quyết không quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác với các mỏ trong khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực định hướng phát triển du lịch; mỏ có trữ lượng nhỏ, khai thác khó khăn, sản xuất không hiệu quả, ảnh hưởng đến người dân, môi trường.
Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất ban hành quy trình cấp chủ trương đầu tư, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, đảm bảo cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch, dễ tra cứu, thực hiện.
UBND các huyện, thành phố tiếp tục bảo vệ, quản lý chặt khoáng sản chưa khai thác. Phân cấp quản lý, phân công nhiệm vụ cho UBND cấp xã; ký cam kết trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cấp huyện, xã trong quản lý khoáng sản.
Cùng với đó, chủ động phối hợp, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng dự án liên quan đến hoạt động khoáng sản như: Bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất….
Giải quyết dứt điểm các vụ, việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến khoáng sản; không để chậm trễ, đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp và người dân; ngăn ngừa các vi phạm về quản lý khoáng sản dẫn tới tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh, việc lắp đặt trạm cân và camera giám sát chưa có hướng dẫn cụ thể, chưa quy định kết nối với cơ quan quản lý nhà nước để theo dõi, quản lý, gây khó trong giám sát sản lượng khai thác.
Quy định giữa Luật Đấu giá tài sản 2016 và Nghị định 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ về đấu giá quyền khai thác khoáng sản còn có nội dung chưa thống nhất, như: Thông báo công khai đấu giá tài sản; công khai danh sách khách hàng đủ điều kiện tham gia đấu giá; về tiếp nhận hồ sơ và thời hạn kết thúc bán hồ sơ đấu giá; tiền đặt trước.
Điều 10, 11 Nghị định 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ chưa phù hợp với thực tế khu vực, do đặc thù sông Mã mực nước sâu, không đủ điều kiện cho các phương tiện thủy hoạt động nên không quy hoạch được bến, bãi tập kết cát.