Nhằm đưa hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản (TNKS) trên địa bàn đi vào nền nếp, tỉnh Thái Bình thường xuyên kiểm tra, giám sát, chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý kịp thời những sai phạm.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm tra hoạt động khai thác cát tại vùng biển huyện Thái Thụy.
Ông Nguyễn Văn Nho, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: TNKS là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội, vì vậy, để bảo vệ hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS), tỉnh đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về công tác quản lý TNKS. Trên cơ sở Luật Khoáng sản, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tỉnh đã xây dựng các văn bản thuộc thẩm quyền, có định hướng phù hợp với điều kiện địa phương để tổ chức thực thi pháp luật trong hoạt động khoáng sản như thuế tài nguyên, tiền cấp quyền KTKS, đấu giá quyền KTKS, phí bảo vệ môi trường đối với KTKS, các hồ sơ thủ tục liên quan đến hoạt động KTKS… Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy hoạch thăm dò, khai thác cát lòng sông, ven biển; quy hoạch bến bãi trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông; quy chế phối hợp kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác cát trên các tuyến sông giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Phòng; quy chế phối hợp quản lý hành chính và hoạt động KTKS trên các tuyến sông giáp ranh giữa 3 tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình trong hoạt động thanh tra, kiểm tra khoáng sản tại địa phương; quy chế phối hợp về quản lý khoáng sản cát tại khu vực giáp ranh giữa Nam Định và Thái Bình.
Năm 2022, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 24 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền KTKS. Quý I/2023, Sở đã thẩm định 5 hồ sơ khai thác tài nguyên nước, trình UBND tỉnh cấp 5 giấy phép khai thác tài nguyên nước, ban hành 5 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định đề án thăm dò khoáng sản và báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh. Đã ban hành 4 quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền KTKS của 4 mỏ cát huyện Tiền Hải. Trình UBND tỉnh kế hoạch đấu giá quyền KTKS tại mỏ cát Tiến Đức (Hưng Hà) và tổ chức thực hiện các nội dung của kế hoạch. Tham mưu UBND tỉnh chấm dứt hiệu lực giấy phép KTKS và thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản cấp cho Công ty Cổ phần SHC KTKS cát lòng sông Hồng tại khu vực mỏ cát xã Việt Thuận, xã Vũ Đoài (Vũ Thư).
Hoạt động khai thác cát trong vùng cấp phép tại huyện Thái Thụy.
Tuy nhiên, công tác quản lý TNKS ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chưa có biện pháp hữu hiệu để quản lý. Một số xã cho thuê bến bãi chứa cát, sỏi không đúng thẩm quyền chưa được xử lý dứt điểm dẫn đến một số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân lợi dụng KTKS trái phép. Hiện tượng khai thác cát trái phép trên sông và ven biển tại các khu vực có khoáng sản chưa khai thác (khu vực không được quy hoạch cấp phép) vẫn còn diễn ra, nhất là tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh.
Trước tình trạng đó, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động KTKS được các cấp, các ngành triển khai mạnh mẽ. Các cơ quan chức năng đã tuần tra, kiểm tra hoạt động khai thác cát lòng sông Trà Lý, khai thác cát ven biển Thái Thụy và Tiền Hải. Qua thanh tra, kiểm tra đã giải quyết nhiều đơn thư kiến nghị của nhân dân, có biện pháp ngăn chặn và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động khoáng sản, bảo đảm quyền và nghĩa vụ cho các đơn vị được phép hoạt động khoáng sản và nhân dân địa phương nơi có hoạt động khoáng sản, từ đó thúc đẩy hoạt động KTKS trên địa bàn đúng quy định. Năm 2022 đã phát hiện, xử lý 14 vụ, 29 đối tượng vi phạm khai thác cát trái phép, khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác; đã khởi tố 3 vụ, 8 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 11 vụ với số tiền trên 500 triệu đồng.
Ông Phạm Trung Kiên, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thái Thụy cho biết: Xác định rõ những hệ lụy của việc KTKS trái phép, thời gian qua huyện Thái Thụy đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Khoáng sản; tăng cường các giải pháp nhằm siết chặt công tác quản lý, bảo vệ TNKS trên địa bàn. Đến nay, hoạt động KTKS dần đi vào nền nếp, tình trạng KTKS trái phép cơ bản được ngăn chặn. Qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của huyện ngày càng phát triển.
Để nâng cao hiệu quả KTKS gắn với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân, xử lý cơ quan hoặc người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra vi phạm tại địa bàn quản lý. Kiên quyết thực hiện việc cưỡng chế, giải tỏa tất cả các bến bãi không có trong quy hoạch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý khai thác cát; chú trọng quản lý, kịp thời phát hiện, tố cáo các hành vi tiêu cực trong quản lý, hoạt động khoáng sản nói chung, khoáng sản cát nói riêng.
Minh Nguyệt