Từ cuối năm 2023 đến nay, làng Triêm Tây thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam dần trở thành địa điểm thường xuyên được các doanh nghiệp du lịch chọn đưa khách đến. Nét đặc trưng của làng là vẫn còn giữ nét nguyên sơ dân dã một làng quê nông thôn. Tại đây, hàng tuần đều có vài đoàn khách nước ngoài được đưa đến tham quan, trải nghiệm cuộc sống người dân và các nghề truyền thống.
Quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch nông thôn Biến sản phẩm OCOP thành tài nguyên du lịch nông thôn |
Tiềm năng lớn, dư địa nhiều
Các phân tích cho thấy, nếu dòng khách châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… kể cả khách Việt thường chọn lựa các dịch vụ vui chơi, giải trí… thì khách Âu – Úc – Mỹ thường có xu hướng khám phá các vùng quê, văn hóa, làng nghề. Ngoài một số điểm nông thôn quen thuộc ở Hội An như làng rau Trà Quế, rừng dừa nước Cẩm Thanh, Cù Lao Chàm… nay Triêm Tây dần trở thành không gian mới đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của dòng khách này. Trải nghiệm văn hóa, khám phá làng quê đang ngày càng được nhiều du khách quốc tế chọn lựa trong hành trình du lịch của mình. Đây được xem là xu hướng mới, góp phần thúc đẩy các loại hình du lịch xanh Quảng Nam phát triển đa dạng bền vững.
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Quảng Nam, đến nay địa phương đã có 12/18 huyện, thị xã, thành phố triển khai chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu đến năm 2025 mỗi huyện, thị xã, thành phố có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn xây dựng ít nhất một sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Riêng năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 3 mô hình thí điểm thuộc chương trình phát triển du lịch nông thôn: Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn giá trị văn hóa bản địa và hệ sinh thái tự nhiên tại làng mộc Kim Bồng (Hội An); Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tại làng Mường (Bắc Trà My) và Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tại làng nghề truyền thống nước mắm Cửa Khe (Thăng Bình).
Thời gian qua, Quảng Nam đã triển khai nhiều kế hoạch về phát triển du lịch nông thôn và đã ghi nhận những kết quả tích cực. Các sản phẩm du lịch nông thôn đã góp phần tạo việc làm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng suất lao động ở khu vực nông thôn, góp phần bảo tồn, lan tỏa các giá trị văn hóa thiên nhiên đặc sắc và bảo vệ môi trường tại các vùng quê có hoạt động du lịch. Dù vậy qua đánh giá chung, liên kết giữa các bên liên quan còn khá rời rạc chính là lực cản trong việc thúc đẩy du lịch nông thôn đi vào chiều sâu. Du lịch nông thôn có tiềm năng lớn và đang được khuyến khích phát triển mạnh mẽ nhưng cần chiến lược phát triển hợp lý.
Du lịch nông thôn trở thành nơi khám phá, trải nghiệm cuộc sống của du khách với người dân bản địa |
Để khai thác hiệu quả
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam Văn Bá Sơn cho biết, phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch địa phương trong năm 2024. Nhiều hoạt động, nội dung thúc đẩy loại hình này đang được triển khai như các chương trình tập huấn kỹ thuật, đào tạo nhân lực; quảng bá, xúc tiến du lịch nông thôn đến các thị trường trong nước, quốc tế… Qua đó, có thể cạnh tranh với các trung tâm du lịch trong nước và khu vực. Để khai thác hiệu quả và toàn diện tiềm năng du lịch nông thôn, bên cạnh sự đồng hành của ngành du lịch thì sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương đóng vai trò then chốt. Đó không chỉ là chiến lược, nguồn lực, nhân lực mà còn cần có sự quyết tâm để biến các giá trị, văn hóa miền quê trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn lâu dài. Hiện số lượng tour và điểm đến du lịch nông thôn chiếm trên 30% tổng số sản phẩm du lịch của tỉnh là con số lý tưởng để thúc đẩy loại hình này phát triển.
Theo ông Vũ Quốc Tuyển, đại diện Công ty TNHH Thương mại – dịch vụ Amber, điều quan trọng là phải có liên kết giữa các điểm đến để thu hút khách. Việc xây dựng mạng lưới liên kết để phát triển du lịch nông thôn cần có sự chia sẻ giữa các bên để hướng tới thiết lập quan hệ đối tác, chia sẻ kiến thức và kỹ năng, tạo ra cơ hội hợp tác cũng như xác định lợi ích chung. Trong khi đó, ông Lê Hoàng Hà – Giám đốc Công ty Du lịch Emic Travel, đơn vị chuyên đưa khách đến các vùng quê nhìn nhận, dư địa phát triển du lịch nông thôn Quảng Nam còn khá nhiều. Chỉ riêng tại làng Cẩm Phú thuộc huyện Điện Bàn, từ đầu năm 2024 đến nay, hàng chục đoàn khách mà phần lớn là khách Pháp đã được Emic phối hợp cùng đối tác đưa về. Một lợi thế của du lịch nông thôn Quảng Nam là có khoảng cách không quá xa phố cổ Hội An, do đó có thể dễ dàng tổ chức tour đưa khách đến. Việc mở rộng không gian du lịch không những mang đến nhiều chọn lựa cho khách, mà còn giúp tạo sinh kế thu nhập cho người dân nông thôn. Vấn đề hiện nay chỉ là đầu mối tại chỗ để doanh nghiệp, du khách thuận lợi kết nối các tour tuyến.
Ông Nguyễn Xuân Hà – Phó giám đốc Công viên “Ký ức Hội An” chia sẻ, du lịch nông thôn đang ở thời điểm lý tưởng để khai phá, tạo ra mũi đột phá mới cho ngành du lịch. Dù vậy, loại hình này cũng đòi hỏi chiến lược phát triển bài bản. Để có được sản phẩm tốt thì cần thời gian, chí ít thì điểm đến cần 2 – 3 năm chấp nhận lượng khách thấp để tạo ra sự khác biệt. Việc xây dựng câu chuyện trong du lịch nông thôn rất quan trọng và du khách phải trải nghiệm trực tiếp chứ không chỉ là nghe kể lại. Việc phát triển du lịch nông thôn cần có sự hài hòa, minh bạch trong phân chia lợi nhuận và chia sẻ rủi ro. Cần tối đa tránh việc làm tự phát mà phải có sự định hướng của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Và quan trọng nhất là vẫn phải hướng về người dân bản địa bởi họ là chủ thể của nông thôn.