Bình Thuận là vùng đất có nền văn hóa đặc sắc và đa dạng tập hợp của nhiều dân tộc cùng sinh sống. Một trong số các dân tộc gây được ấn tượng nhờ các giá trị văn hóa đặc sắc đó chính là cộng đồng người Chăm.
Bình Thuận hiện có hơn 40.000 người Chăm sinh sống rải rác từ các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh. Nền văn hóa Chăm là sự phản ánh trung thực về diện mạo một dân tộc, bao gồm các mặt vật chất, tinh thần như: Đạo đức, pháp quyền, tôn giáo tín ngưỡng và các hình thái nghệ thuật, mà nổi bật là các điệu múa, âm nhạc, kiến trúc điêu khắc… Bên cạnh tạo điều kiện cho cộng đồng người Chăm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo và Lễ hội Katê trên tháp Po Sah Inư thu hút đông đảo người dân và du khách đến đây nghiên cứu, vui chơi thưởng thức văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm, đặc biệt vừa qua, ngày 4/4/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ hội truyền thống Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài lễ hội Katê, người Chăm còn có nhiều lễ hội mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc như: Tết Ramưwan, Rijanưgar… và nhiều loại hình nghệ thuật ca, múa, nhạc dân gian được lưu giữ, phục dựng tạo nên sắc thái riêng biệt, độc đáo của văn hóa Chăm. Hiện các di tích được bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần phục vụ đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh tín ngưỡng của người Chăm, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tham quan, thưởng ngoạn của du khách trong và ngoài nước khi đến Bình Thuận. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Chăm luôn được quan tâm đã góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa đa sắc màu của Bình Thuận, thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh nhà.
Trong thời gian qua, Bình Thuận đã và đang có kế hoạch khôi phục lại một số nghề truyền thống, phục dựng lại lễ hội dân gian, tôn tạo các khu di tích lịch sử – văn hóa của dân tộc Chăm, tổ chức những hoạt động du lịch cộng đồng, như: đền thờ Po Klaong Mơnai, kho mở Hoàng tộc Chăm (bà Nguyễn Thị Thềm) và đền thờ Po Anit (Bắc Bình), tháp Po Sah Inư (Phan Thiết), tháp Po Dam (Tuy Phong)… đã được trùng tu, tôn tạo. Nhiều di tích được phát hiện, khai quật và lưu giữ. Các lễ hội dân gian có quy mô lớn như lễ hội Katê đã được phục dựng thành công tại tháp Po Sah Inư đưa vào hoạt động hàng năm thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Các loại hình nghệ thuật ca, múa, nhạc dân gian Chăm: Các hoạt động về nghiên cứu, khai thác phát triển các tác phẩm về nghệ thuật Chăm đều được khuyến khích sáng tạo, như: “Lửa tình yêu’’, “Khát vọng sinh tồn’’, “Tình yêu làng gốm”, “Huyền thoại Po Sah Inư”, “Vui hội Katê’’, “Âm vang cội nguồn”, liên hoan tiếng hát dân ca Chăm và trình diễn trang phục truyền thống, hội thi Hòa tấu nhạc cụ dân tộc Chăm nhằm kích thích thu hút nghệ nhân nhiều lứa tuổi tham gia. Giới thiệu ẩm thực đặc trưng Chăm, Hội thi nắn bánh gừng truyền thống, Hội thi viết chữ Chăm nhanh và đẹp, biểu diễn chương trình văn nghệ dân gian nguyên gốc, phục dựng các lễ hội dân gian như Lễ hội Katê, Lễ hội Đạp lửa (Rija Inưgar) trong dịp Katê, huy động được nhiều vị nhân sĩ trí thức, chức sắc đạo giáo và nhân dân địa phương tham gia và thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu. Chương trình phát thanh và truyền hình tiếng Chăm của tỉnh đã phát sóng, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng người Chăm về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo tinh thần Nghị quyết 04/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận.
Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Chăm mới là những kết quả bước đầu, để bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm một cách lâu bền và đúng hướng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận, cộng đồng người Chăm và nhất là nhân sĩ trí thức Chăm tiếp tục thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng, coi trọng giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người Chăm, góp phần xây dựng, làm phong phú, đa dạng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Do đó, để phát triển du lịch bền vững trên cơ sở khai thác các giá trị di sản văn hóa Chăm cần có chiến lược bảo tồn, khai thác, phát triển phù hợp. Ngành du lịch tỉnh nhà cần lựa chọn sản phẩm du lịch trên cơ sở đề cao giá trị di sản văn hóa Chăm. Sản phẩm du lịch cần tôn trọng tính đa dạng, phong phú, đặc thù của văn hóa Chăm. Mặt khác phải nâng cao nhận thức, bảo vệ lợi ích và phát huy vai trò, trách nhiệm gắn với giữ gìn văn hóa cộng đồng người Chăm trong phát triển du lịch. Xây dựng nội dung và điểm đến, gắn với việc quảng bá về các di tích, di sản văn hóa Chăm. Nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ hướng dẫn nhằm phục vụ phát triển du lịch tại các di tích trên. Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tại các di tích, di sản văn hóa Chăm góp phần vào việc khai thác, phát triển du lịch bền vững tại các di tích trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Trong thời gian tới, Bình Thuận đã và đang có kế hoạch khôi phục lại một số nghề truyền thống, phục dựng lại lễ hội dân gian, tôn tạo các khu di tích lịch sử – văn hóa, trong đó có văn hóa Chăm, tổ chức những hoạt động du lịch cộng đồng, vận động nhân dân giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, tạo môi trường văn hóa lành mạnh. Những động thái này bước đầu đã cho thấy tỉnh nhà luôn quan tâm khai thác, phát huy thế mạnh giá trị văn hóa các dân tộc trong phát triển kinh tế – xã hội nói chung, du lịch nói riêng, để Bình Thuận thật sự trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.