Thông qua những phân tích, đánh giá của các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực như du lịch, kinh tế, kiến trúc, môi trường… về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, tọa đàm khẳng định vai trò của việc chữa lành với thiên nhiên trong thực hiện mục tiêu quốc gia “Vì một Việt Nam hạnh phúc”.
Phát biểu đề dẫn, Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch STDe khẳng định: Thiên nhiên là món quà tuyệt vời tạo hóa ưu ái dành cho con người. Thiên nhiên mang đến cho con người nhiều lợi ích về sức khỏe, những tác động tích cực đến cơ thể, cảm xúc, quá trình tư duy cũng như sự tương tác xã hội.
Đó là lý do con người có xu hướng tìm đến thiên nhiên để được “chữa lành”. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh, trong quá trình khai thác thiên nhiên, con người do sự hạn hẹp về tầm nhìn, kiến thức đã vô tình hoặc cố ý làm tổn thương nguồn tài nguyên giàu có mà tạo hóa ban tặng, dẫn đến những cơn giận dữ của “mẹ thiên nhiên” thể hiện qua thiên tai, sóng thần, biến đổi khí hậu và dịch bệnh kéo dài.
“Vì thế, thế kỷ 21 con người cần phải tập trung vào vấn đề “chữa lành” với thiên nhiên, “chữa lành” những tổn thương, nỗi đau mà con người đã gây ra cho “mẹ” Trái đất trong quá trình khai phá tài nguyên vừa qua”, Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh nhấn mạnh.
Tại tọa đàm, nhiều đại biểu là các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà khoa học đã đóng góp định hướng và giải pháp để khai thác những giá trị “chữa lành” từ thiên nhiên một cách bền vững dưới góc nhìn của khoa học liên ngành.
Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch STDe phát biểu. |
Dưới góc nhìn du lịch, Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh cho rằng, xu hướng du lịch sinh thái, chữa lành mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vừa mang tính chất giáo dục bảo vệ môi trường vừa góp phần giảm stress và tìm lại cảm hứng trong cuộc sống cho con người, đang trở thành trào lưu du lịch của thế kỷ 21.
Tuy nhiên, đa số các tour du lịch sinh thái này mới dừng ở hoạt động tham quan bề nổi, khá đơn điệu về hình thức và cách thức hoạt động, còn thiếu các hoạt động du lịch trải nghiệm đa dạng để giúp con người khám phá sâu sắc hơn các giá trị tiềm ẩn của thiên nhiên. Để thay đổi cục diện này, theo Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh phải bắt đầu từ tư duy đột phá trong khai thác và xây dựng sản phẩm.
Với sứ mệnh “Thay đổi tư duy trong khai thác tài nguyên để tạo ra đột phá cho du lịch Việt Nam”, thời gian qua, STDe đã đầu tư trọng điểm cho các công trình nghiên cứu nhằm giải quyết những thách thức lớn của du lịch Việt Nam hiện nay như vấn đề cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Nhiều bộ sản phẩm du lịch mang tư duy đột phá như: “Mưa, bão, lụt miền trung”; “Gió Bạc Liêu”; “Khách sạn bóng đêm”, “Kỳ quan Hạ Long”… đã được công bố, góp phần tạo ra góc nhìn rộng và sâu hơn trong khai thác các giá trị tài nguyên thiên nhiên một cách sáng tạo và bền vững.
Dưới góc nhìn của ngành kiến trúc, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thu Phong khẳng định, mọi công trình kiến trúc đều được đặt trong một bối cảnh không gian cụ thể, giải quyết vấn đề cụ thể giữa con người với môi trường thiên nhiên chung quanh. Vì vậy, các tư tưởng của kiến trúc sinh thái luôn xem sự đối thoại giữa công trình và thiên nhiên là tiêu chí hàng đầu để biểu đạt đánh giá hay xây dựng làm kim chỉ nam trước khi thiết kế.
Tiến sĩ Nguyễn Thu Phong cho biết, xuất phát từ quan điểm về kiến trúc sinh thái và vai trò của kiến trúc sinh thái với con người và thiên nhiên, ông cùng các cộng sự đã hình thành chuỗi công trình Hero House.
Đặc điểm chung của các công trình Hero House là được đặt trong các Vườn quốc gia và liên kết chặt chẽ với công tác bảo vệ môi trường, chăm sóc, bảo vệ các loài động vật hoang dã với sự tham gia nhiệt tình của lực lượng tình nguyện viên, hầu hết là các bạn trẻ trên cả nước, được tập hợp liên kết bởi cộng đồng có tên gọi “Gia đình yêu thiên nhiên Việt Nam”.
Gợi ý chung về các cách thức “chữa lành” với thiên nhiên, Tiến sĩ Phan Tất Thứ cho rằng, con người có thể áp dụng những giải pháp như tiếp xúc với môi trường thiên nhiên qua việc đi bộ trong công viên, ngắm cảnh thiên nhiên, hít thở không khí trong lành…; lắng nghe âm thanh thiên nhiên; mang thiên nhiên vào nhà; tăng cường hoạt động ngoài trời; sử dụng liệu pháp thiên nhiên cải thiện sức khỏe. “Thiên nhiên luôn đầy sức sống và sức mạnh chữa lành mà chúng ta có thể tận hưởng và khám phá”, Tiến sĩ Phan Tất Thứ nhấn mạnh.