Cơ duyên với vật lý số
Khi đang làm việc cho Google ở Silicon Valley (Mỹ), Huy Nguyễn trở về Việt Nam đúng vào đợt dịch COVID-19 và bén duyên với công việc tại Việt Nam. Với kinh nghiệm tiếp cận blockchain khá sớm từ những năm tháng làm việc tại nhiều nước trên thế giới, năm 2020, Huy Nguyễn đồng sáng lập một start-up trên nền tảng blockchain.
Năm 2021, start-up này bắt đầu ra mắt một vài giải pháp liên quan đến công nghệ blockchain. Tháng 10-2023, Công ty Phygital Labs với giải pháp vật lý số Nomion ra đời, ngay sau đó là cuộc chạy đua để đưa vật lý số vào ứng dụng và khai phá thị trường.
Huy Nguyễn giải thích vật lý số (Phygital) là một khái niệm khá mới trên thế giới, được kết hợp bởi sản phẩm vật lý (Physical) và sản phẩm số (Digital). Đây là giải pháp chuyển dịch thế giới thật lên không gian số nhằm kiến tạo những giá trị mới trên không gian số từ những dữ liệu, tài sản trên thế giới thật.
Giải pháp lõi của Phygital Labs là Nomion – hình thành nhờ ứng dụng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification – nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến) và blockchain (công nghệ chuỗi khối) giúp kết nối sản phẩm thật với thế giới số, từ đó tạo ra những sản phẩm số giá trị, bảo đảm tính minh bạch, độc bản của sản phẩm trên cả không gian thực và số.
Đồng thời, hệ sinh thái của Phygital Labs ứng dụng công nghệ LiDAR (Light Detection And Ranging – công nghệ quét và đo tia sáng hồng ngoại) và VR/AR (thực tế ảo, thực tế tăng cường). Như vậy Nomion tạo định danh các sản phẩm thật, thậm chí là sản phẩm phi vật thể và từ tạo ra sản phẩm số độc bản rồi đưa sản phẩm này lên không gian số, mang đến trải nghiệm sản phẩm trực quan với câu chuyện hấp dẫn về lịch sử sản phẩm, khách hàng toàn cầu dễ dàng tiếp cận sản phẩm thực lẫn sản phẩm số.
Giải thích cách giải pháp Nomion tạo ra giá trị số trong đời sống thật, Huy Nguyễn nêu ví dụ khách hàng muốn mua đồ bán ở Ấn Độ, Ai Cập thì phải đến tận nơi mua, nếu mua trên các sàn thương mại điện tử, các trang online
thì rất khó để phân biệt thật – giả. Việc có một hệ sinh thái số, sản phẩm có được danh tính số sẽ giúp tăng giá trị của sản phẩm lên rất nhiều. Giá trị sản phẩm có thể tăng lên gấp 5, gấp 7 lần vì đây là sản phẩm đã được định danh chính chủ cùng danh tiếng của người chủ, được bảo chứng bởi định danh số.
“Giải pháp Nomion không chỉ định danh đồ vật mà còn định danh các sản phẩm văn hóa, không gian, kiến trúc… để tạo ra một nguồn thu mới và gia tăng giá trị cho sản phẩm đời thật” – Huy Nguyễn nhấn mạnh.
Giải pháp Nomion đã góp phần giúp tăng 50% giá trị sản phẩm cho Le J’ – thương hiệu cà phê đặc sản được thành lập từ năm 2018 trực thuộc The Le’s Brothers Coffee Corporation. Ở thời điểm chưa gắn chip, giá mỗi túi cà phê đặc sản là 800.000 đồng/gói/200 g. Sau khi gắn chip và tiến hành định danh, câu chuyện độc đáo về nông trại có diện tích trên 10 ha canh tác cà phê tiêu chuẩn đặc biệt nhanh chóng được lan tỏa trên toàn cầu. Ngay sau đó, giá trị sản phẩm của thương hiệu cà phê Le J’ đã tăng lên và được bán ra với giá 1,2 triệu đồng/gói/200 g. Hay với Ortho, một trong những thương hiệu thời trang kỹ thuật số tiên phong, đã ứng dụng giải pháp Nomion cho bộ sưu tập áo sweater Starlight, cho phép người sở hữu được thêu NFT của chính mình với
khung in 3D lên áo và trên áo được gắn con chip tạo nên tính độc bản của sản phẩm… 300 chiếc áo sweater Ortho Starlight phiên bản giới hạn đã bán hết trong vòng 24 giờ với giá 660 USD/chiếc.
“Với thị trường Việt Nam, chỉ riêng những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo của Việt Nam, đã là một “kho hàng” khổng lồ để đi ra thế giới bằng con đường vật lý số và mang lại giá trị vượt trội” – Huy Nguyễn nói.
Phải bán sản phẩm Việt với giá cao hơn
Từ đầu năm 2023, đội ngũ của Huy Nguyễn đã miệt mài đi nhiều tỉnh, thành trên cả nước để nói về định danh số, vật lý số và lợi ích từ việc ứng dụng công nghệ này. Không dễ để thuyết phục những đối tác tiềm năng hiểu, tin và chấp nhận thử nghiệm hình thức kinh doanh mới nhưng bằng sự kiên trì, đến nay, Phygital Labs đã kết hợp cùng làng đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng) định danh số cho các sản phẩm mỹ nghệ; hợp tác với một số đơn vị tại Huế để định danh các cổ vật…
“Để dễ hình dung hơn, tôi sẵn sàng làm mẫu thử, gắn chip, tạo landing page cho sản phẩm để khách hàng trải nghiệm sản phẩm trước mà không thu phí. Nhờ đó, Phygital Labs mới lan tỏa được sản phẩm của mình” – Huy Nguyễn nói.
Nói về lý do chọn khởi nghiệp tại Việt Nam, Huy Nguyễn thẳng thắn cho biết nếu phát triển Phygital Labs ở Mỹ thì với những người ở Silicon Valley, nơi có rất nhiều sự cạnh tranh và quá am tường về công nghệ, cơ hội sẽ thấp hơn. Trong khi đó, có thể nói tại Việt Nam, đến thời điểm này, Phygital Labs đang là duy nhất.
“Ở giải pháp Nomion, con chip là một trong những thành phần kết nối sản phẩm thật với thế giới số. Ở các thế hệ chip bán dẫn trước không kết hợp với blockchain vì nó khá yếu. Chỉ mới gần đây người ta mới nghiên cứu ra loại chip mới mạnh mẽ cho kết nối số. Phygital Labs tích hợp các giải pháp từ công nghệ blockchain lên con chip và đã xây dựng được một hạ tầng blockchain riêng, cùng công nghệ VR, AR, metaverse… để phát triển các sản phẩm vật lý số. Như vậy Phygital Labs chính là một trong những công ty đầu tiên đi theo con đường này” – CEO trẻ diễn giải.
Đội ngũ Phygital Labs đang trong hành trình kết nối một Việt Nam chuyển đổi số với thế giới. Huy Nguyễn cho rằng công nghệ vật lý số chính là cánh cổng giúp công ty kết nối với thế giới và đưa sản phẩm của Việt Nam ra toàn cầu. Theo Huy Nguyễn, tại các nước phát triển, tài sản văn hóa đã được định giá đúng và từ đó gia tăng theo thời gian, nhu cầu… Trong khi đó, những sản phẩm thuần Việt chưa được đánh giá đúng, thậm chí rất thấp so với giá trị thật. Vì vậy, Phygital Labs nằm trong chuỗi giá trị đưa sản phẩm Việt Nam đến đúng giá trị và sau đó gia tăng giá trị bằng sản phẩm định danh số. Anh có niềm tin rằng mình có thể mang đến giá trị nhảy vọt cho các sản phẩm của Việt Nam.
Sau Việt Nam, công ty công nghệ này hướng tới thị trường mục tiêu là các nước Đông Nam Á. Đây là thị trường dân số đông đảo, mức độ tiếp nhận công nghệ tốt. “Nhiều nhà đầu tư ở Silicon Valley rất thích mô hình của công ty, ngỏ ý muốn góp vốn nhưng tôi muốn tự mình xây dựng Phygital Labs ít nhất 2 năm nữa. Về sau, nếu cần, chúng tôi sẽ tiến hành gọi vốn” – Huy Nguyễn nói.
CEO Phygital Labs tự nhận khởi nghiệp ở lĩnh vực quá mới ở Việt Nam vô vàn khó khăn nhưng cũng rất nhiều thuận lợi. Trước đây, khi Grab hay nhiều dịch vụ công nghệ khác mới ra đời, không nhiều người hình dung nó sẽ trở nên thân thuộc, thiết yếu với đời sống như hiện nay. Công nghệ Nomion hay Công ty Phygital Labs chuyên định danh số, gia tăng giá trị sản phẩm thật bằng quá trình vật lý số… cũng có thể làm được như vậy. Theo anh, lợi thế của Việt Nam là có rất nhiều sản phẩm, di sản nhưng chưa được định danh cho nên năm 2024, công ty sẽ tập trung vào thị trường Việt Nam, mang nhiều nhất có thể các đồ vật của Việt Nam lên không gian số, hình thành một mảng rộng lớn trong nền kinh tế số.
“Tôi muốn 5 năm nữa, Phygital Labs sẽ trở thành một điểm nhấn của thế giới, người ta sẽ nhớ đến Việt Nam có những công ty làm được những sản phẩm bắt kịp và đi cùng thế giới số”.
(Huy Nguyễn, CEO Phygital Labs)
Nguồn: https://nld.com.vn/khai-pha-cong-nghe-moi-196240205143045763.htm