Trưng bày “Thắp ngọn lửa hồng” là câu chuyện cảm động về ý chí kiên cường, sự hy sinh anh dũng của những người con ưu tú từng bị địch bắt, giam trong các nhà tù. Trưng bày được thể hiện qua 3 nội dung: “Tiếng súng mở đầu”, “Trọn một lời thề” và “Dấu xưa vang mãi”.
Ở nội dung “Tiếng súng mở đầu”, công chúng được xem các tư liệu, hình ảnh về những phong trào cách mạng của Việt Nam sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập (3/2/1930) như: Phong trào cách mạng (1930-1931) với đỉnh cao Xô Viết Nghệ Tĩnh; Phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ (1936-1939); khởi nghĩa Bắc Sơn (9/1940); khởi nghĩa Nam Kỳ (11/1940); binh biến Đô Lương (1/1941). Đây chính là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc.
Trong nội dung “Trọn một lời thề”, người xem được tìm hiểu kỹ hơn thân thế, sự nghiệp của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn một lòng vì Tổ quốc, như các đồng chí: Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Thị Minh Khai… Dù bị tra tấn, đày ải trong lao tù, những người con ưu tú vẫn giữ mãi ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần đấu tranh kiên cường. Ở nơi trường bắn, các đồng chí vẫn hiên ngang, bất khuất.
Ở nội dung “Dấu xưa vang mãi”, là hình ảnh những địa danh lịch sử, nơi kẻ địch từng dựng trường bắn và nhà lưu niệm tưởng nhớ những người con ưu tú của Đảng giờ đây đã trở thành những “địa chỉ đỏ”, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho nhiều thế hệ. Nhiệt huyết cách mạng, khí phách hiên ngang của những người chiến sĩ vẫn âm vang qua những lời nói, câu thơ và còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.
Chia sẻ với báo chí, ông Bùi Thêm – chiến sĩ cách mạng Hà Nội năm xưa xúc động cho biết, ký ức về thời kỳ đấu tranh cách mạng lại ùa về trong tâm trí. Mặc dù đã hơn 90 tuổi, nhưng ông vẫn nhớ như in những kỷ niệm về một thời hoa lửa. “Những tra tấn, đòn roi của thực dân Pháp ngày đó không thể nào làm hao mòn ý chí, quyết tâm của những chiến sĩ cách mạng Việt Nam”, ông Bùi Thêm bày tỏ.
Một cựu tù Hoả Lò tên Dương Tấn Minh chia sẻ, sau bao nhiêu năm tháng, ông và rất nhiều cựu tù đã coi Di tích Nhà tù Hỏa Lò như ngôi nhà thứ hai. Trưng bày “Thắp ngọn lửa hồng” giúp ông nhớ lại thời kỳ còn là thanh niên sôi nổi, tham gia hoạt động cách mạng tại Hà Nội và bị địch bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò, chịu đựng nhiều đòn roi nhưng không bao giờ khuất phục.
Tại trưng bày, bên cạnh các tư liệu, hình ảnh và hiện vật quý, các khách mời và du khách còn thực hiện nghi lễ dâng hương, tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh tại Nhà tù Hỏa lò; xem hoạt cảnh tái hiện cuộc gặp gỡ cuối cùng trong Nhà tù Hỏa Lò của gia đình đồng chí Mai Ngọc Thuyết và đồng chí Nguyễn Văn Mẫn năm 1933. Sau đó, đồng chí Nguyễn Văn Mẫn bị lưu đày đi Nhà tù Côn Đảo. Năm 1943, đồng chí hy sinh do tù đày khắc nghiệt.
Nguồn: https://www.congluan.vn/khai-mac-trung-bay-chuyen-de-thap-ngon-lua-hong-post302794.html