Chiều 25-4, Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy TP.HCM và Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp tổ chức lễ khai mạc triển lãm ảnh Tổ quốc bên bờ sóng và TP.HCM – Vì cả nước, cùng cả nước, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM.
Hoạt động hướng đến kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2024) và 138 năm Ngày Quốc tế lao động (1-5-1886 – 1-5-2024).
Tham dự lễ khai mạc có ông Nguyễn Trọng Nghĩa – bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Nguyễn Hồ Hải – phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, ông Phan Nguyễn Như Khuê – trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, ông Đỗ Văn Yên – phó chính ủy Quân chủng Hải quân, ông Dương Anh Đức – phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Văn Dũng – phó chủ tịch UBND TP.HCM, bà Trần Thị Thu Đông – chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam…
Khai mạc hai triển lãm ảnh ở phố đi bộ
Từ hàng ngàn tác phẩm dự thi, ban tổ chức đã chọn ra 154 ảnh tiêu biểu để trưng bày triển lãm ảnh Tổ quốc bên bờ sóng.
Trong đó có 22 tác phẩm đoạt giải thưởng gồm: 2 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba và 10 giải khuyến khích.
Triển lãm khái quát về cuộc đấu tranh hào hùng của quân và dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Với triển lãm có chủ đề TP.HCM – Vì cả nước, cùng cả nước, ban tổ chức trưng bày 80 ảnh tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Đó là hình ảnh Đảng bộ và nhân dân TP.HCM nỗ lực phấn đấu thực hiện kỳ vọng của Bác Hồ kính yêu, của Đảng trong 49 năm qua với truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo.
Cùng đó là những hình ảnh TP.HCM thay da đổi thịt, dần trở thành trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước.
TP.HCM – Vì cả nước, cùng cả nước
“Những hình ảnh của thành phố bước vào thời kỳ đổi mới, khẳng định sức mạnh nội lực to lớn, từng bước chuyển mình mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu quan trọng, tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, đầu tàu, động lực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước.
Các hoạt động của thành phố hướng đến xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, thành phố tiên phong trong khởi nghiệp và sáng tạo, trở thành vùng động lực trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Với cái tên Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn, TP.HCM đã đi vào lịch sử nước nhà như là một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, biểu tượng của sự năng động, sáng tạo, luôn đi đầu trong đổi mới; tiếp tục khẳng định ‘TP.HCM – Vì cả nước, cùng cả nước'” – ông Nguyễn Hồ Hải chia sẻ tại lễ khai mạc.
Triển lãm diễn ra từ ngày 25-4 đến hết ngày 2-5.
Cùng thời điểm này, tại đường Nguyễn Du – Đồng Khởi, ban tổ chức trưng bày triển lãm 70 ảnh với chủ đề “Công nhân TP.HCM phát huy truyền thống, bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm”.
Đó là những hình ảnh sinh động về phong trào đấu tranh của công nhân Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; hình ảnh thành phố đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, công nghệ mới.
Đối diện công viên Chi Lăng là triển lãm với chủ đề “TP.HCM – Thành phố truyền thống, thành phố nhân ái, nghĩa tình”. Triển lãm có 50 ảnh thể hiện việc xây dựng và phát triển thành phố với truyền thống nhân ái, nghĩa tình.