Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các Phó chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Đức Hải, Nguyễn Khắc Định, Trần Quang Phương sẽ luân phiên điều hành phiên họp.
Dự phiên họp có các đồng chí: Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước cùng đại diện các cơ quan hữu quan; cùng các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo dự kiến, chương trình phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành trong 4 ngày, từ 15-3 đến ngày 20-3. Phiên họp này nhằm chuẩn bị các nội dung quan trọng cho Kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023).
Về những nội dung lớn của phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 8 nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, gồm 7 dự án luật và một dự án đầu tư.
Trong đó, cho ý kiến về việc giải trình tiếp thu chỉnh lý 3 dự án luật đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 là: Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và dự án Luật Giá (sửa đổi). Tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn làm cơ sở cho việc tiếp thu và chỉnh lý các dự án luật.
Đây đều là những dự án luật quan trọng đối với việc hoàn thiện thể chế phát triển theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và các nghị quyết khác của Đảng, có phạm vi tác động và ảnh hưởng rộng đến các hoạt động kinh tế – xã hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trên cơ sở báo cáo của các ủy ban, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận, thể hiện rõ quan điểm đối với các nội dung của dự thảo luật, đặc biệt là các vấn đề thực tiễn đang vướng mắc, được các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số vấn đề lớn, làm cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý; sau đó, tiếp tục cho ý kiến toàn diện về dự thảo luật và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 3 dự án luật khác trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2023 dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 bao gồm: Luật Quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); đồng thời xem xét quyết định việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.
Trong đó, theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là luật mới, ban hành lần đầu tiên, nâng lên từ Pháp lệnh đã được thực hiện gần 30 năm.
Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) đề xuất rất nhiều chính sách quan trọng, cùng với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và các dự án luật quan trọng khác sẽ có tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội và đời sống của nhân dân.
Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Chính phủ đã có hồ sơ trình Quốc hội và đề nghị thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp, nên tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đồng thời về dự án luật và việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
“Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu kỹ các hồ sơ tài liệu, tập trung cho ý kiến về sự cần thiết ban hành, phạm vi, đối tượng điều chỉnh, đặc biệt là cơ sở lý luận và thực tiễn của các chính sách mới, tính thống nhất, đồng bộ với các luật, dự thảo luật có liên quan, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi), việc bảo đảm các điều kiện trình Quốc hội… để thể chế hóa đúng, đầy đủ và triển khai có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, góp phần tháo gỡ, khắc phục được những hạn chế, vướng mắc hiện nay”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ngoài ra, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án Hồ chứa nước Ka Pét của huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận trên cơ sở đề nghị của Chính phủ để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của Luật Đầu tư công.
Đáng chú ý, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Dự kiến nội dung này sẽ được dành một ngày vào ngày 20-3 đối với 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm trả lời chính. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ và Phó thủ tướng phụ trách ngành lĩnh vực có thể tham gia báo cáo giải trình thêm nội dung này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ra nghị quyết về chất vấn; thể hiện tâm huyết và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc sát cánh cùng với thành viên Chính phủ và các Trưởng ngành tháo gỡ, khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, bất cập.
* Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền bao gồm: Xem xét đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với hai dự án Luật: Luật Căn cước công dân sửa đổi và Luật Các tổ chức tín dụng.
Đồng thời, xem xét, ban hành Kế hoạch về công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ được quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các chức danh ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhằm bảo đảm chất lượng chuẩn bị nhân sự đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương và địa phương nhiệm kỳ XVI.
Ngoài ra, trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, phê chuẩn việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo thông lệ, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ tiếp tục xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 2-2023.
Nhấn mạnh Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong 4 ngày với nhiều nội dung quan trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung công sức, trí lực, nghiên cứu kỹ lưỡng, có nhiều ý kiến sâu sắc, toàn diện, cụ thể và tham gia tích cực vào các nội dung của phiên họp, nhằm bảo đảm phiên họp được tiến hành hiệu quả, các nội dung được xem xét, cho ý kiến, quyết định bảo đảm chất lượng, chuẩn bị tốt nhất các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và tiếp tục đổi mới, khẳng định hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát.
NGUYỄN THẢO