Nằm trong chuỗi hoạt động Chuyển đổi số TPHCM năm 2023 với chủ đề “Khai phá dữ liệu số, thành công chuyển đổi số”, nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10-10, ngày 17-10, Sở TT-TT TPHCM phối hợp với Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Thời báo Ngân hàng, Hội Tin học TPHCM tổ chức sự kiện “Ngày hội chuyển đổi số TPHCM 2023”.
Sự kiện diễn ra trong ngày 17 và 18-10, tại Tân Sơn Nhất Pavillon (quận Phú Nhuận), bao gồm hoạt động triển lãm giới thiệu các mô hình, giải pháp chuyển đổi số của doanh nghiệp, cơ quan chính quyền trên địa bàn TPHCM.
Khách hàng tham quan trải nghiệm công nghệ tương tác ảo trong lĩnh vực giáo dục |
Bên cạnh đó, 6 phiên hội thảo chuyên đề, với sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp, cơ quan ban ngành sẽ cùng thảo luận đưa ra các giải pháp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cho thành phố ở các lĩnh vực như: Giáo dục, y tế, tài chính - ngân hàng, dịch vụ công, các xu hướng công nghệ mới…
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức kỳ vọng, thông qua các hoạt động sẽ nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về tầm quan trọng của chuyển đổi số |
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, thông qua các hoạt động trong Tuần lễ chuyển đổi số TPHCM như: Chào mừng ngày chuyển đổi số trong lĩnh vực in ấn, phát hành; Triển lãm và hội thảo Công nghệ nâng tầm cuộc sống 2023; Hội thi thử thách trí tuệ nhân tạo (AI Challenge)…, thành phố hy vọng sẽ phần nào nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về tầm quan trọng của công cuộc chuyển đổi số, góp phần phát triển hiệu quả kinh tế - xã hội. Đồng thời, thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ và thực hiện hiệu quả chương trình Chuyển đổi số TPHCM; năm dữ liệu quốc gia 2023.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức tham quan các gian hàng chuyển đổi số |
Theo báo cáo của Sở TT-TT TPHCM, trong năm 2023, công tác chuyển đổi số đã đạt được những hiệu quả nhất định, thành phố đã đưa vào vận hành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính công (TTHC TPHCM), hợp nhất Cổng dịch vụ công và một cửa điện tử thành phố), kết nối hệ thống định danh công dân theo Đề án 06.
Hoàn thành thiết lập 1.590 thủ tục hành chính trên môi trường số, chính thức triển khai 635/740 dịch vụ công trực tuyến, số tiền thanh toán lệ phí thông qua hình thức trực tuyến là 13.354.809.601 đồng. Ngoài ra, thành phố cũng triển khai chương trình cấp chữ ký số miễn phí cho 469.603 người dân; liên thông kết nối dữ liệu dùng chung với các bộ ngành, kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia…
Để thúc đẩy chuyển đổi số trong dịch vụ công trực tuyến, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như rà soát, tái cấu trúc, ban hành các thủ tục hành chính công khai, minh bạch đến người dân và doanh nghiệp. Hoàn chỉnh hệ thống dịch vụ công, nhằm tăng tính trải nghiệm nhằm tăng sự tiện dụng cho người dân, doanh nghiệp.
Hiện nay, TPHCM đang tập trung xây dựng và phát triển 3 nhóm dữ liệu chính gồm: Nhóm dữ liệu phục vụ quản lý, quy hoạch phát triển đô thị; Nhóm dữ liệu liên quan đến thông tin của người dân; Nhóm dữ liệu về phát triển kinh tế, tài chính.
Đối với hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong các dịch vụ công tại TPHCM cũng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, các cơ quan nhà nước như y tế, giáo dục, bảo hiểm, hải quan hầu hết 100% các đơn vị đã triển khai TTKDTM; 8/9 chợ truyền thống đã triển khai TTKTM.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tại thành phố đã đạt trên 30%, và đang hướng đến mục tiêu dẫn đầu cả nước về TTKDTM. Hiện nay, thành phố đang xây dựng hệ thống thanh toán trực tuyến cho các các bệnh viện tuyến quận, huyện với mục tiêu tạo sự thuận tiện cho người dân và tiết kiệm chi phí.
Nhiều giải pháp, ứng dụng chuyển đổi số trong ngành ngân hàng được giới thiệu tại triển lãm |
Đối với ngành ngân hàng, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng, nhận định,việc phân tích, khai thác, kết nối dữ liệu giữa các đơn vị là yếu tố quyết định tạo nên thành công của quá trình thúc đẩy TTKDTM và quá trình chuyển đổi số trong ngành ngân hàng.
Ngân hàng nhà nước Việt Nam và các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán đã và đang tích cực triển khai các ứng dụng, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dữ liệu dân cư trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ nhằm đẩy mạnh phát triển TTKDTM, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong toàn nền kinh tế.
“Thời gian tới, Ngân hàng nhà nước sẽ tập trung hoàn thiện các chính sách về kết nối, khai thác dữ liệu; đảm bảo các hệ thống ứng dụng ngân hàng hoạt động hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác, nhất là lĩnh vực hành chính công. Ngoài ra, chú trọng tăng cường công tác đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin cho người dùng và tiếp tục thực hiện tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người sử dụng, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.
Bình luận (0)