Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho hay, năm 2024 Chính phủ xác định là năm bứt phá, năm bản lề cả nước và các địa phương phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025. Bộ Công Thương cũng đã tập trung tổ chức triển khai quyết liệt, cụ thể ngay từ đầu năm 2024 các chương trình hành động thực hiện chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đã có tác động cụ thể làm thay đổi tình hình kinh tế – xã hội và hoạt động ngành Công Thương.
Khu vực phía Nam là đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước, phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững; đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đầu mối trong hội nhập, mở rộng giao thương, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ (mà hạt nhân là thành phố Hồ Chí Minh) là trung tâm lớn, năng động về kinh tế, khoa học công nghệ; vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, trái cây, góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Trần Đình |
Kể từ sau Hội nghị ngành Công Thương khu vực phía Nam lần thứ IX, năm 2023 được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang, hoạt động liên kết phát triển giữa các địa phương trong khu vực ngày càng được chú trọng và đẩy mạnh hơn trên các lĩnh vực: Chia sẻ thông tin về công tác quản lý Nhà nước, hoạt động sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại; công tác kết nối giao thương hàng hoá được tăng cường, công tác phối hợp trong việc xử lý các vi phạm của lực lượng quản lý thị trường được duy trì thường xuyên và có hiệu quả. Từ đó, đóng góp tích cực vào những thành quả của ngành Công Thương các địa phương trong thời gian qua.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng nhấn mạnh, Hội nghị ngành Công Thương khu vực phía Nam lần thứ X, năm 2024 được tổ chức nhằm mục đích: Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành Công Thương của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam năm 2023 và 9 tháng năm 2024, qua đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 3 tháng cuối năm 2024.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Trần Đình |
Thảo luận, trao đổi kinh nghiệm nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan trong công tác quản lý nhà nước của các Sở, ngành ở địa phương, qua đó đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo liên kết, hỗ trợ, hợp tác trong phát triển ngành Công Thương mỗi tỉnh, thành phố và toàn khu vực.
Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong khu vực gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư và thương mại nhằm tăng cường các hoạt động liên kết đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giao thương giữa các địa phương trong khu vực.
Tạo điều kiện cho cán bộ, công chức ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tiếp xúc trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý nhà nước về công nghiệp, thương mại; tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để định hướng liên kết vùng trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
“Để đạt được mục tiêu đề ra, tại Hội nghị ngày hôm nay, tôi đề nghị các đại biểu chủ động, tích cực đóng góp ý kiến, phát biểu đi thẳng vào những vấn đề trọng tâm, làm rõ những tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp quan trọng”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị.
Ông Giang Thanh Khoa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Trần Đình |
Đại diện cho tỉnh Kiên Giang, phát biểu tại Hội nghị, ông Giang Thanh Khoa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thông tin, 9 tháng năm 2024, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, nền kinh tế chịu tác động của nhiều yếu tố nhưng nền kinh tế của địa phương vẫn tăng trưởng ổn định. GRDP 9 tháng tăng 6,76%, ước cả năm 2024 tăng trưởng khoảng 7,0%, với quy mô nền kinh tế khoảng 144 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, đối với ngành Công Thương, trong 9 tháng năm 2024: Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt hơn 40.800 tỷ đồng, tăng 12,92% so với cùng kỳ và đạt 74,94 % so kế hoạch; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 686 triệu USD, tăng 6,77% so với cùng kỳ và đạt 74,57% kế hoạch; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 101,7 triệu USD, đạt 84,75% kế hoạch; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 119.431 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ và đạt 79,83% kế hoạch.
Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ X năm 2024 nhằm tăng cường trao đổi thông tin giữa Lãnh đạo Bộ Công Thương, các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước ngành Công Thương, tạo điều kiện để Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trao đổi thông tin, kinh nghiệm và hỗ trợ hợp tác cùng phát triển.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Trần Đình |
Ông Giang Thanh Khoa cũng cho hay, với mong muốn ngành Công Thương phát triển mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trên tinh thần phối hợp cùng phát triển.
Đồng thời, tỉnh Kiên Giang cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Công Thương, các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương trong khu vực và cả nước giúp Kiên Giang thu hút thêm nhiều dự án đầu tư, phát triển thương mại và đẩy mạnh nhập khẩu; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2024 và trong thời gian tới.
Nguồn: https://congthuong.vn/khai-mac-hoi-nghi-nganh-cong-thuong-khu-vuc-phia-nam-lan-thu-x-nam-2024-351639.html