So với khóa 1 vừa hoàn thành, số lượng sinh viên khóa 2 tăng gấp đôi. Khóa 2 sẽ học các môn nhiếp ảnh, tổ chức sản phẩm truyền thông và thiết kế sản phẩm truyền thông.
Nhìn sản phẩm của sinh viên là yên tâm
“Chúng tôi rất yên tâm, hài lòng và vui mừng vì những kết quả khóa 1 của sinh viên được đào tạo thực hành tại báo Tuổi Trẻ” – PGS.TS Vũ Quang Hào, trưởng khoa truyền thông sáng tạo Trường đại học Nguyễn Tất Thành – bày tỏ trong lễ khai giảng khóa 2.
Theo TS Hào, khi bắt đầu chương trình hợp tác đào tạo, bản thân ông cũng thực sự lo lắng bởi ý tưởng rất hay nhưng việc vận hành không hề đơn giản, bởi mô hình hợp tác đào tạo giữa trường đại học và tòa soạn báo không mới trên thế giới nhưng đây có thể nói là lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam.
Nhưng khi kết thúc khóa 1, ông Hào cho biết tổng kết lại và ghi nhận những gì sinh viên đã học được, ông đã thấy được sự hài lòng của sinh viên và đặc biệt sản phẩm cuối cùng của sinh viên đạt kết quả tốt.
Khi đó sự lo lắng ban đầu được thay bằng vui mừng và yên tâm bởi hướng đi của mình đã đúng, đạt kết quả như mong đợi.
Chúng tôi rất yên tâm, hài lòng và vui mừng vì những kết quả khóa 1 của sinh viên được đào tạo thực hành tại báo Tuổi Trẻ
PGS.TS Vũ Quang Hào, trưởng khoa truyền thông sáng tạo Trường đại học Nguyễn Tất Thành
“Hiện có nhiều trường đại học đi theo mô hình này nên rõ ràng mô hình cũng có chân lý về mặt khách quan.
Đội ngũ giảng viên của báo giàu bản lĩnh, kinh nghiệm nghề nghiệp đã truyền lại cho sinh viên không chỉ kỹ năng, công cụ mà còn cách tư duy để các bạn có thể vận dụng làm truyền thông rất tốt. Chúng tôi trông đợi vào cơ quan truyền thông có uy tín như báo Tuổi Trẻ để thực hiện mục tiêu đào tạo truyền thông đúng nghĩa” – ông Hào nói thêm.
Đánh giá đào tạo khóa 1, nhà báo Lê Xuân Trung – phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ – cho biết khóa thứ 2 có quy mô lớn hơn khóa 1 cả về số lượng sinh viên, số lớp học.
Điều này cho thấy sự hợp tác đào tạo đi đúng hướng và đạt được những mục tiêu, chuẩn mực hai bên đặt ra cũng như kỳ vọng của sinh viên.
Để đáp ứng tốt hơn công tác đào tạo với số lượng sinh viên lớn, ông Lê Xuân Trung cho biết báo Tuổi Trẻ đã chuẩn bị thêm cơ sở vật chất, giảng viên, trang thiết bị để chuẩn bị cho khóa học này.
Tòa soạn của báo Tuổi Trẻ thành môi trường đào tạo truyền thông chuyên nghiệp, thực học thực hành.
“Khóa đào tạo đã kết thúc tốt đẹp, đáp ứng được yêu cầu các bên. Nhiều nhà báo đứng lớp không chỉ làm nghề tốt mà còn làm nhà giáo hăng say và nhiệt tình. Có lẽ các nhà báo thấy lại hình ảnh thời sinh viên của mình nên giảng dạy cho sinh viên rất hào hứng, với tất cả sự nhiệt tâm” – ông Trung nói.
Chúng tôi xem sinh viên như các cộng tác viên của báo và kỳ vọng sẽ là đồng nghiệp của chúng tôi trong tương lai
Nhà báo Lê Xuân Trung, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ
Làm báo, làm truyền thông và nội dung số
Tại lễ khai giảng, nhiều sinh viên cho hay đã trao đổi với anh chị từng học khóa 1 để nắm thông tin về cách thức giảng dạy và nội dung học tập tại báo Tuổi Trẻ trước khi đăng ký học môn học ở đây.
Sinh viên Minh Hùng cho rằng đây là cơ hội để sinh viên được học nghề, tiếp cận môi trường truyền thông chuyên nghiệp. Tuy nhiên sinh viên này cũng băn khoăn là chương trình đào tạo sẽ mang lại cho các bạn những lợi ích gì khác so với giảng đường đại học.
Chia sẻ những băn khoăn của sinh viên, nhà báo Nguyễn Trường Uy – phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ – nhấn mạnh sinh viên được đào tạo thực hành, trực tiếp tham gia tác nghiệp cũng như các kỹ năng cần thiết để làm được việc như một người làm báo, làm truyền thông và nội dung số ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học.
Để làm được điều này, ông Uy cho biết sinh viên được đào tạo theo hướng thực học (ở trường đại học) – thực hành (ở tòa soạn báo). Các nhà báo không chỉ dạy các kỹ năng làm báo, làm truyền thông và làm nội dung số cho sinh viên mà còn trao gửi trên tinh thần truyền nghề và tiếp lửa cho các bạn trẻ.
Các sinh viên không chỉ được học các kỹ năng mà còn được trực tiếp thực hành tại chỗ và tại các sự kiện cũng như tại nhiều địa điểm khác nhau, được các giảng viên hướng dẫn và góp ý để hoàn thiện sản phẩm.
Chẳng hạn môn nhiếp ảnh có 60 tiết, sinh viên có hơn 50 tiết tác nghiệp thực tế, làm việc như phóng viên, người sản xuất nội dung số. Các bạn biết được cách chọn đề tài, nhân vật, chọn góc ảnh phù hợp, ghi nhận nội dung…
Giảng viên đánh giá, góp ý từng sản phẩm của sinh viên chứ không xuê xoa. Mục tiêu của chúng tôi là sinh viên học xong các bạn phải làm việc được, có sản phẩm cụ thể và đạt chất lượng. Ngoài hướng dẫn thực hành, chúng tôi còn tạo cho các em không gian kết nối, gặp gỡ, trao đổi về nghề nghiệp
Nhà báo Nguyễn Trường Uy – phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ
Sau lễ khai giảng ngắn gọn, các sinh viên bắt đầu bước vào các môn học đầu tiên.
Khóa 2 của chương trình đào tạo sẽ kéo dài từ nay đến hết tháng 12. Ban tổ chức cho biết chương trình giảng dạy của khóa 2 sẽ có thêm nhiều cập nhật và điều chỉnh nhằm đạt mục tiêu đào tạo với chất lượng cao hơn và hiệu quả hơn cho sinh viên.
Nguồn: https://tuoitre.vn/khai-giang-khoa-2-chuong-trinh-hop-tac-dao-tao-giua-bao-tuoi-tre-va-truong-dai-hoc-nguyen-tat-thanh-20241011112141951.htm