Kiến nghị đến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sau Kỳ họp Quốc hội thứ 7, Quốc hội khóa XV, cử tri cho biết thời gian qua, khi đi vay vốn ở các ngân hàng người dân vẫn bị “cưỡng ép” phải mua các loại bảo hiểm như: bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm cháy nổ… thì mới được giải ngân khoản vay, gây bức xúc cho người dân.
Để bảo vệ quyền và lợi ích của người dân, cử tri kiến nghị NHNN tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm những hành vi trên để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn vay.
Trả lời kiến nghị của cử tri, NHNN cho biết pháp luật hiện hành đã có quy định nghiêm cấm hành vi ép khách hàng mua, giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Cụ thể, Khoản 5 Điều 9 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 nghiêm cấm hành vi “đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm”; khoản 5 Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 nghiêm cấm “tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức”.
NHNN cho hay, Bộ Tài chính là cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm. Đối với các tổ chức tín dụng có hoạt động đại lý bảo hiểm, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 cũng có quy định về vấn đề này.
Về phía ngành ngân hàng, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và đối tượng quản lý, liên quan đến vấn đề này, thời gian qua, NHNN thường xuyên có văn bản chỉ đạo, cảnh báo, chấn chỉnh hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng.
Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm, không để xảy ra trường hợp tổ chức tín dụng, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức;
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm, chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm; tăng cường rà soát, giám sát chặt chẽ hoạt động đại lý bảo hiểm của các chi nhánh tổ chức tín dụng có tỷ lệ tái ký bảo hiểm năm thứ 2 thấp.
NHNN đã tổ chức hội nghị trực tuyến về hoạt động đại lý bảo hiểm và chỉ đạo các ngân hàng thương mại có hoạt động đại lý bảo hiểm thực hiện một số nội dung nhằm đảm bảo hoạt động đại lý bảo hiểm an toàn, hiệu quả, thực hiện đúng quy định pháp luật, hạn chế tối đa rủi ro phát sinh đối với hoạt động ngân hàng.
NHNN cũng đã bổ sung nội dung thanh tra hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng vào kế hoạch tiến hành thanh tra năm 2023 của một số ngân hàng thương mại cổ phần.
Đồng thời, yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng có trụ sở trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm (gồm nhân thọ và phi nhân thọ) 9 tháng đầu năm 2024 đạt 165.500 tỷ đồng, giảm 0,41% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 58.540 tỷ đồng, tăng gần 12,8%, doanh thu bảo hiểm nhân thọ tiếp tục giảm 6,4% so với cùng kỳ, đạt 106.980 tỷ đồng. |
Nguồn: https://vietnamnet.vn/khach-vay-von-van-bi-cuong-ep-mua-bao-hiem-ngan-hang-nha-nuoc-noi-gi-2331839.html