Không chỉ khách nội địa giảm, dòng khách truyền thống như Mỹ, Úc, châu Âu, Đài Loan… đến Hội An, Đà Nẵng ít hơn thường lệ khiến không ít người phải đặt câu hỏi rằng du lịch miền Trung đang xảy ra chuyện gì?
Do vé máy bay tăng, chiến tranh hay kinh tế khó khăn?
Những ngày này, từ đầu giờ chiều đi dọc đường ven biển từ Đà Nẵng vào Hội An vẫn thấy cảnh xe con, xe khách nối đuôi nhau hướng vào trung tâm phố cổ Hội An.
Nhưng sự đông đúc ở Hội An không đồng nghĩa với doanh thu tăng. Phố cổ chỉ tấp nập vào giờ cao điểm. Khách tham quan xong rồi quay hướng ra Đà Nẵng, Huế.
“Không hiểu vì sao năm nay lượng đặt tour của khách từ tháng 4, tháng 5 và tháng 6 tới công ty chúng tôi ít hơn lệ thường. Chúng tôi là doanh nghiệp chuyên dòng khách quốc tế, đưa đón tour sinh thái đồng quê.
Nếu nói khách ít do vé máy bay thì cũng không hẳn vì bay quốc tế hiện giá khá rẻ”, ông Trần Văn Khoa – giám đốc Công ty Du lịch Jack Tran Tours Hoi An – nói.
Tình cảnh ít khách bất thường ngay trước cao điểm du lịch hè bao gồm cả khách nội địa lẫn khách quốc tế đang khiến nhiều doanh nghiệp không khỏi băn khoăn.
Ông Trần Thế Do – chủ khu lưu trú 5 sao Silk Sence Hoi An resort – cũng nói rằng hiện lượng khách đặt tới Silk Sence chỉ đạt 50% công suất. Đây là một con số thấp bất thường.
Ông Do cho rằng vé máy bay tăng cao cùng với xu hướng thắt chặt chi tiêu trên toàn cầu, chiến tranh Nga – Ukraine, điểm nóng xung đột Trung Đông… đang làm khách ít đi du lịch hơn.
Những khu lưu trú được đánh giá là “ít khi thiếu khách” như La Siesta Hoi An, Furama Đà Nẵng… nhưng ngay sát lễ mà phòng ốc vẫn chưa lấp đầy.
Ông Vương Đình Mạnh – tổng quản lý La Siesta Hoi An – cho biết 90% phòng tại đây đã được đặt tới hết ngày 1-5. Tuy nhiên số phòng được đặt từ tháng 5 tới tháng 7 thì hiện đạt tỉ lệ thấp.
“Số liệu năm nay cho thấy khách quốc tế cũng suy giảm chứ không riêng nội địa” – ông Mạnh nói.
Du khách đã chuyển hướng?
Mùa du lịch hè từ năm 2024 này được các doanh nghiệp miền Trung kỳ vọng là giai đoạn bùng nổ, “bù lại những gì đã mất” từ đại dịch COVID-19.
Các khách sạn, resost, các hãng lữ hành sẵn sàng nhân lực và chương trình đón khách nhưng hiện mọi thứ chưa như kỳ vọng.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dương – giám đốc kinh doanh, tiếp thị khu lưu trú Bellerive Hoi An – cho biết doanh nghiệp chọn tháng 5 để công bố khu lưu trú đạt chuẩn 5 sao nhằm thu hút khách. Tuy nhiên lượng phòng hiện nay còn trống rất nhiều, dù tới sát kỳ nghỉ dài 30-4, 1-5.
“Chúng tôi đầu tư rất công phu để xây dựng khách sạn theo hướng xanh, thân thiện môi trường, khai thác trải nghiệm văn hóa con người ở các làng chài ven sông.
Để kích cầu, chúng tôi áp dụng các ưu đãi cho khách đặt phòng sớm, khách ở dài ngày. Rồi tặng các dịch vụ đi kèm, tăng cường các hoạt động cho khách lưu trú như tour xe đạp, các lớp học thắt dây, gấp khăn, nấu ăn ngay trong khách sạn, đưa khách trải nghiệm rừng dừa Bảy Mẫu… Nhưng tới nay vẫn ghi nhận khách du lịch ít hơn các năm trước” – bà Dương nói.
Bà Dương cho biết khi liên hệ với đồng nghiệp làm du lịch ở các tỉnh thì được thông tin rằng năm nay khách đổ dồn về Phú Quốc, Kiên Giang, Hạ Long… rất lớn do chính sách kích cầu ở những điểm đến này tốt.
Một nguyên do khác, đó là hiện nhóm khách từ Đài Loan đang quay hướng qua các điểm đến khác thay vì chọn miền Trung.
Trong tình thế thiếu khách, ngay trước lễ 30-4 và 1-5, nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách thu hút du khách như tặng dịch vụ, giữ nguyên giá phòng, ở càng dài ngày thì được hưởng giá tốt… Tuy nhiên hiện tình hình vẫn khá căng thẳng.
Lo Hội An, Đà Nẵng “hụt hơi” trong cạnh tranh nguồn khách
Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Đà Nẵng gần đây nhiều lần đề nghị ngành du lịch hai địa phương năng động hơn trong việc tìm kiếm sản phẩm mới, thay đổi hình ảnh diện mạo xưa cũ chính mình lâu nay để hấp dẫn hơn với khách, nhất là sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên hiện tại cho thấy các sự dịch chuyển đang diễn ra khá chậm. Số dịch vụ mới lạ, khác biệt hiện rất hiếm.
Tại Hội An, dù khách đổ về ùn ùn nhưng lượng lưu trú, chi tiêu tăng không nhiều. Hội An đang lo trở thành nơi tham quan, khách sau khi vào Hội An sẽ không chi tiêu mà ra lại Đà Nẵng lưu trú, ăn uống.
Báo cáo tình hình du lịch 4 tháng đầu năm cho thấy có gần 1 triệu lượt khách đã tham quan mua vé vào phố cổ Hội An với tổng số tiền gần 80 tỉ đồng. Tuy vậy, lượng khách nội địa ghi nhận giảm tới gần 40%.