(Dân trí) – Sau một thời gian dẫn đoàn, Phúc nhận thấy khách nước ngoài rất thích các hoạt động trải nghiệm, nên đưa khách đi làm ruộng, nhặt rau hay cưỡi trâu, đều khiến khách đọng lại những ấn tượng thú vị.
Tự học ngoại ngữ làm hướng dẫn viên du lịch
“Đi du lịch để nghỉ dưỡng mà lạ lắm, sang Việt Nam hóa ra làm ruộng, gặt lúa thôi này”.
Đỗ Ngọc Phúc hài hước nói chuyện với khách nước ngoài bằng tiếng Tây Ban Nha, khiến nhiều người cười bò. Nghe chàng trai 25 tuổi giao tiếp thuần thục, ít ai biết rằng anh tự mày mò học ngoại ngữ làm tour guide (hướng dẫn viên du lịch) chứ không phải qua trường lớp nào.
Phúc dẫn khách đi tham quan phố phường Hà Nội.
Vốn học tại khoa Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành của trường Đại học Thương Mại (Hà Nội) do ban đầu chọn ngành tình cờ, chưa biết sở thích của mình ở đâu, suốt những năm tháng sinh viên, Phúc làm đủ việc từ phục vụ nhà hàng, quán cà phê cho tới trợ giảng trung tâm tiếng Anh. Càng làm, chàng trai quê gốc Khoái Châu, Hưng Yên, càng thấy không hợp.
Năm 2 đại học, do chưa biết chút tiếng Anh gì nên Phúc mạnh dạn tham gia CLB dẫn tour miễn phí cho khách nước ngoài để thực hành tiếng. Dần dần, anh mê công việc này hơn vì cảm giác tự do thoải mái, không gò bó như làm văn phòng.
Khi đủ tự tin về ngôn ngữ, Phúc nhận những tour nhỏ như đi xe máy hoặc giới thiệu ẩm thực quanh Hà Nội nhằm tăng thêm thu nhập. Vừa tốt nghiệp chưa được bao lâu, ước mơ còn giang dở lại tạm gác vì Covid-19 ập tới, chàng trai trẻ đành ở nhà một thời gian.
Chàng trai trẻ tìm thấy niềm đam mê làm hướng dẫn viên du lịch.
Lúc rảnh rỗi, anh thử mày mò tự học tiếng Tây Ban Nha vì thấy cách phát âm có phần dễ hơn so với tiếng Pháp và tiếng Ý. Hơn một năm, anh thi lấy chứng chỉ Dele B2 của viện Cervantes bên Tây Ban Nha.
May mắn lúc có chứng chỉ là thời điểm du lịch mở cửa trở lại, Phúc bắt đầu dần chuyển từ tour dẫn khách tiếng Anh sang thị trường tiếng Tây Ban Nha. Ngoài 2 ngoại ngữ này, anh đang học thêm tiếng Bồ Đào Nha vì nhận thấy thị trường khách sử dụng ngôn ngữ này cũng rất tiềm năng.
Dẫn tour từ năm 3 đại học, đến nay, anh đã có khoảng 5 năm kinh nghiệm. Thời gian đầu, Phúc chỉ loanh quanh khu vực ở Hà Nội. Sau đó, anh dần mở rộng các địa điểm ở khu vực phía Bắc và miền Trung như Ninh Bình, Sapa, Hà Giang và vào Huế, Đà Nẵng, Hội An.
Đưa khách đi gặt lúa, hái rau, uống rượu táo mèo
Là hướng dẫn viên du lịch tự do và có đầy đủ thẻ hành nghề, hiện Phúc đang cộng tác với nhiều công ty lữ hành. Mỗi công ty lại có những lịch trình riêng đưa khách tới điểm đến. Nhưng việc giới thiệu, chia sẻ với khách nước ngoài thế nào lại do hướng dẫn viên tự sáng tạo.
Sau một thời gian dẫn đoàn, chàng trai Hưng Yên nhận thấy, theo cách truyền thống, hướng dẫn viên chỉ đơn giản truyền đạt lại cho khách nghe hiểu về kiến thức lịch sử, văn hóa, đưa tới nơi có cảnh đẹp. Nhưng cách làm này không còn mới mẻ.
Học hỏi thêm kinh nghiệm của những anh chị đi trước, Phúc thấy rằng trải nghiệm mới là thứ đọng lại trong lòng du khách sau mỗi chuyến đi. Chính vì thế, ở mỗi tour, anh lại cố tìm một hoạt động ngẫu nhiên nào đó để khách trải nghiệm.
Lần đầu sờ thử con trâu ngoài đời thực.
“Nhiều khách nước ngoài rất thích trải nghiệm về cuộc sống đời thường của người Việt như làm ruộng, gặt lúa, hái rau. Có người chỉ sống ở thành phố, cả đời chưa từng nhìn thấy con trâu, cây chuối ngoài đời thực, nên khi được tôi chia sẻ những điều thiết thực này, họ thích thú lắm.
Khách còn muốn tận tay sờ xem da trâu dày mỏng ra sao, lội ruộng là thế nào. Ban đầu, mọi người đa phần còn hơi rụt rè, nhưng được hướng dẫn viên và người địa phương khuyến khích, họ thích lắm”, Phúc kể lại.
Gia đình Phúc thiết đãi bữa cơm thân mật với nhóm khách nước ngoài.Anh Enrique C
anelles Corell, 41 tuổi, tỏ ra hào hứng khi được trải nghiệm mới lạ. Lần đầu anh được tuốt lúa, cắt cỏ cùng người dân địa phương, nên du khách đến từ Tây Ban Nha rất thích thú.
“Ở Việt Nam, tôi có những trải nghiệm mới lạ, khó tìm thấy ở nơi nào trên thế giới. Trước đó, Phúc đã đưa tôi đi uống bia hơi Hà Nội rất tươi ngon mà giá lại rẻ. Còn trong chuyến đi tới Mai Châu, chúng tôi được ghé thăm những ngôi nhà truyền thống, trò chuyện cùng người dân địa phương thân thiện để hiểu hơn cuộc sống của họ. Đây đều là những trải nghiệm đáng nhớ”, anh Enrique vui vẻ nói.
Trải nghiệm ẩm thực ở một khu chợ.
Đa phần những hoạt động trải nghiệm của khách ở vùng nông thôn hoặc làng bản ở Lao Chải, Tả Van (Sapa). Tại đây, phần lớn người dân tộc thiểu số đều làm ruộng, nên không khó để tìm những hoạt động ngẫu hứng cho khách tham gia.
“Có dịp khi tới Sapa, xe dừng ở khu vực có người nông dân đang cắt cỏ và đập lúa, tôi xuống nói chuyện với họ. Người dân rất thân thiện và nhiệt tình hướng dẫn đoàn khách nước ngoài cách làm.
Tôi chỉ đóng vai trò truyền tải ngôn ngữ để kết nối. Qua những trải nghiệm này, khách quốc tế phần nào hiểu hơn về cuộc sống người dân Việt Nam, biết trân trọng sức lao động khi làm ra từng hạt gạo và có kỷ niệm đẹp khi về nước”, Phúc chia sẻ.
Vị khách người Tây Ban Nha hào hứng với trải nghiệm mới lạ (Ảnh cắt từ clip).
Trong khi đó, anh Christian Galvis Ariza, 41 tuổi, lại không quên được hương vị “apple meo meo” (cách gọi vui của rượu táo mèo).
“Hương vị của thứ rượu này tuyệt ngon. Tôi rất thích cách làm rượu thủ công và thưởng thức theo kiểu người bản địa. Trải nghiệm ở Việt Nam rất tuyệt”, vị khách người Tây Ban Nha nhận xét.
Ở Hà Nội ít có nhiều trải nghiệm làm nông, Phúc lại đưa khách đi tham quan phố phường, vòng vèo quanh con ngõ nhỏ, trải nghiệm khu chợ địa phương hay đến thăm các khu đền chùa miếu mạo.
Phúc trong một buổi đưa nhóm khách ngoại quốc đi trải nghiệm phố phường Hà Nội và hướng dẫn cách chọn các loại hoa quả, thực phẩm tươi ngon.
“Đây là dịp để tôi kể cho khách nghe về văn hóa, tín ngưỡng của người Việt. Khách được hướng dẫn cách thắp hương, cầu khấn thần Phật ra sao, tìm hiểu người dân mua bán ở các khu chợ truyền thống thế nào”, anh kể.
Thu nhập tăng gấp 2-3 lần nhờ đa ngôn ngữ
Thời hậu Covid-19, du lịch Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang có xu hướng phục hồi, nhưng cá nhân Phúc nhận thấy, lượng khách quốc tế chưa nhiều như trước.
“Du khách chi tiêu tiết kiệm hơn, không còn thoải mái như trước. Nhiều công ty du lịch cạnh tranh nhau bằng cách hạ giá thành sản phẩm, do vậy, mức thu nhập của hướng dẫn viên có xu hướng giảm”, Phúc nhận xét.
Nghề hướng dẫn viên du lịch mang tới cho Phúc nhiều người bạn mới từ các quốc gia.
Tuy nhiên, với lợi thế tiếng Tây Ban Nha, Phúc khá tin tưởng vào khả năng và thị trường khách của mình. Vào giai đoạn cao điểm, anh có lịch làm việc kín tháng. Khi rảnh hơn, anh làm từ 20 đến 25 ngày trong tháng. Với tần suất làm việc như vậy, Phúc vẫn đảm bảo được mức thu nhập không bị sụt giảm, thậm chí tăng gấp 2 lần so với trước kia.
“So với thời làm hướng dẫn viên bằng tiếng Anh, hiện nay tiếng Tây Ban Nha đang mang lại cho tôi nguồn thu tốt. Tháng cao điểm có thể gấp 3 lần. Tôi rất mong thế giới ổn định trở lại để ngành du lịch tiếp tục phát triển, nhờ đó cuộc sống mọi người khấm khá hơn”, Phúc bộc bạch.
Ảnh: Đỗ Ngọc Phúc
Dantri.com.vn