Chia sẻ tại hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Cục Hàng không Việt Nam chiều 24.7, ông Trịnh Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết theo Hiệp hội Vận tải hàng không thế giới (IATA), thị trường vận tải hàng không quốc tế đã cơ bản ổn định trở lại.
Tuy nhiên, thị trường phục hồi vẫn chậm hơn dự báo, chỉ bằng 88% so với 2019. Dự kiến, đến năm 2024 mới có thể về bằng mức trước dịch Covid-19.
Đáng lưu ý, đang có sự khác nhau trong việc đánh giá sự phục hồi của hàng không. Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá bằng số lượng chuyến bay còn hãng hàng không đánh giá bằng lượng khách. Nếu tính số chuyến, ngành hàng không cơ bản đã phục hồi hết, đặc biệt trên các đường bay đi, đến Nội Bài, Tân Sơn Nhất, song số lượng khách lại không đạt tương ứng.
Cụ thể, với đường bay quốc tế, đến tháng 7 tổng lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam mới chỉ đạt 10%, khách Nhật đạt 54%. Riêng khách Hàn Quốc khá hơn, đạt 80% do khách công vụ nhiều và phục hồi hoàn toàn, lượng khách du lịch vẫn thấp. Song thị trường cũng được bù đắp phần nào với lượng khách Ấn Độ (tăng gần gấp đôi), khách Úc (tăng hơn 10%) và khách Mỹ (hơn 10%).
Tại thị trường nội địa, lượng khách năm nay vượt so với năm 2019 khoảng 10% nhưng giảm hơn so với năm 2022. Trong cao điểm hè, dù lượng khách tăng 14% tuy nhiên, giá bình quân lại giảm 14%. Nguyên nhân do cung vượt cầu, các hãng hàng không không bay được quốc tế nên dồn tải vào thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, các hãng hàng không cũng phải đối mặt với sự tăng cao của giá nhiên liệu (hiện ở mức 103 USD/thùng, cùng kỳ 2019 chỉ khoảng 83 – 84 USD/thùng); sự mất giá của đa số các đồng tiền so với đồng USD.
“Chúng tôi vẫn xác định phải cố gắng phục hồi. Thực tế đã phục hồi cơ bản hết cả nội địa và quốc tế, tuy nhiên, như hệ số sử dụng ghế bình quân trên các đường bay quốc tế chỉ khoảng 67 – 68%, thấp hơn hơn 10% so với 2019”, ông Thành nói.
Ông Đinh Việt Phương, Tổng giám đốc Vietjet, cũng khẳng định các hãng hàng không vẫn đang khó khăn. Thực tế số chuyến bay tăng nhưng số khách không tăng, hệ số sử dụng ghế giảm. Có chuyến bay từ Nhật về tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt 40%.
Theo ông Phương, thông thường cao điểm hè thường kéo dài đến khoảng 15.8, thậm chí là tuần thứ 3 của tháng 8. Tuy nhiên năm nay, mới đến 15.7 lượng khách đã giảm. Đáng nói, dù khách giảm nhưng các hãng vẫn phải bay đều, vì nếu không bay thì sợ mất slot lịch sử (lượt cất hạ cánh được cấp – PV).
“Giám sát chặt việc sử dụng slot nhưng phải hỗ trợ hãng hàng không. Slot là tài nguyên nhưng vận hành slot phải linh hoạt, hiệu quả, làm sao thúc đẩy hãng hàng không phát triển”, ông Phương kiến nghị.
Cục trưởng Cục Hàng khôngViệt Nam Đinh Việt Thắng cho biết thực tế có tình trạng các hãng hàng không đang phải “bay để giữ slot”.
Với đường bay nước ngoài, có bay mới giữ được slot. Thị trường xuống thấp, nhưng nếu năm nay không bảo đảm số lượng chuyến thì năm sau họ sẽ cắt slot.
“Chúng tôi hiểu những khó khăn của các hãng hàng không, đã trao đổi với nhà chức trách hàng không các nước để hỗ trợ theo nguyên tắc “có đi có lại”, họ bay đến mình thì phải cho mình bay đến họ. Nhưng thực tế, có những thị trường nước bạn không bay đến nước mình, như Úc, Ấn Độ, Vương quốc Anh”, ông Thắng nói.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam khẳng định sẽ nỗ lực tối đa trong việc đàm phán giữ slot cho các hãng hàng không Việt. Những trường hợp hết sức khó khăn, ngoài khả năng của Cục Hàng không, sẽ đề nghị đàm phán ở những cấp cao hơn, qua đường ngoại giao.
Trên thị trường nội địa, theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, “có hãng hàng không bảo thị trường thấp, không bay hết slot, nhưng bảo trả lại cho hãng khác thì không chịu”. Thông tư 29 quy định rõ, slot lịch sử của một mùa lịch bay là chuỗi slot được sử dụng đúng với tỷ lệ ít nhất 80%. Vì thế, các hãng muốn giữ được slot lịch sử phải đảm bảo tỷ lệ sử dụng theo quy định.
Song ông Thắng cũng cho biết sẽ nghiên cứu sớm kiến nghị của các hãng, báo cáo Bộ GTVT có những sửa đổi Thông tư 29 cho hợp lý.
6 tháng đầu năm 2023, tổng lượt hành khách đi máy bay ước đạt 34,7 triệu, tăng 49,6% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 14,7 triệu, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ 2022, bằng 73,5% so cùng kỳ 2019. Khách nội địa đạt 20 triệu, giảm 3,4% so với cùng kỳ 2022 nhưng tăng 8,1% so cùng kỳ 2019.
Tổng thị trường hàng hóa ước đạt 483.000 tấn, giảm 26% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, hàng hóa quốc tế đạt 405.000 tấn, giảm 30% so với cùng kỳ 2022. Hàng hóa nội địa đạt 77.600 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ 2022.