Khách quốc tế đến Việt Nam mỗi năm bằng 1/5 lượng khách nội địa đi du lịch nhưng tổng doanh thu cao hơn gấp 1,4 lần, do chi tiêu trung bình cao gấp 5-9 lần.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam 3 tháng đầu năm liên tiếp tăng trưởng, đạt 4,6 triệu lượt khách. Nếu theo đà tăng trưởng này, đến cuối năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ phục hồi hoàn toàn, thậm chí tăng so với năm 2019 – năm hoàng kim của ngành du lịch.
Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) Hoàng Nhân Chính cho biết khách quốc tế có tầm quan trọng đặc biệt đối với du lịch Việt vì “đem lại nguồn thu ngoại tệ dồi dào cho đất nước”.
Năm 2022, tổng thu du lịch của Việt Nam đạt 19,96 tỷ USD, doanh thu từ khách quốc tế đạt 3,8 tỷ USD, chiếm 19% tổng doanh thu. Trong khi đó lượng khách nội địa đạt 101,3 triệu lượt, nhiều gấp 27,6 lần lượng khách quốc tế với 3,66 triệu lượt. Thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới năm 2022 cho thấy trung bình một khách quốc tế chi tiêu cho chuyến du lịch ở Việt Nam là 1.038 USD, cao gần 7 lần mức chi tiêu của khách Việt là 160 USD.
Số liệu từ Cục du lịch Quốc gia cũng chỉ ra trong 6 năm trước dịch (2014-2019), tổng lượng khách nội địa gấp 5-7 lần lượng khách quốc tế đến nhưng doanh thu từ khách quốc tế cao hơn 1,4 -1,6 lần. Mức chi trả cho chuyến du lịch tại Việt Nam ở khách quốc tế giai đoạn này cũng cao 5-9 lần so với khách Việt.
Năm 2019 bình quân khách nội địa chi tiêu 45,25 USD một ngày. Trong khi đó, một ngày khách quốc tế chi 132 USD – gấp 3 lần. Top 10 thị trường khách chi tiêu nhiều nhất tại Việt Nam trước dịch là Philippines, Bỉ, Mỹ, Australia, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Canada, Đức, Tây Ban Nha, theo Niên giám thống kê 2022 của Tổng cục Thống kê.
Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) Vũ Quốc Trí cho biết giá trị gia tăng GDP do du lịch mang lại phần lớn đến từ khách quốc tế.
Nhiều người cho rằng khách Việt đi du lịch nội địa càng nhiều thì nền kinh tế càng phát triển. “Nhưng không phải vậy”, ông Trí nói, do khách nội địa kiếm tiền ở trong nước rồi đi du lịch trong nước, khiến tác động kinh tế về mặt vĩ mô “không nhiều”. Việt Nam và các quốc gia khác muốn tăng đóng góp kinh tế của ngành du lịch vào GDP thì cần phải có khách quốc tế.
Theo ông Chính, khách quốc tế đến còn thúc đẩy giao lưu thương mại, đầu tư và vận tải hàng không. Họ trực tiếp quảng bá hình ảnh quốc gia, tăng cường giao lưu quốc tế, thắt chặt tình hữu nghị, nâng cao hình ảnh và vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
So với các nước trong khu vực, Việt Nam có thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa để phát triển du lịch. Theo nghiên cứu của TAB và Dự án Du lịch bền vững của Thụy Sĩ (SSTP), ba lý do chính để khách du lịch đến thăm Việt Nam gồm sự đa dạng văn hóa và các di sản văn hóa của đất nước (87,5%); thiên nhiên và kỳ quan thiên nhiên (62,5%); món ăn và ẩm thực (58,3%). Trong Bảng xếp hạng Phát triển Du lịch năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam đứng thứ 24 về tài nguyên tự nhiên và thứ 25 về tài nguyên văn hóa, nằm trong nhóm dẫn đầu trên tổng số 117 quốc gia.
Chính phủ đã hỗ trợ ngành du lịch hút khách quốc tế như nâng thời hạn thị thực điện tử (e-visa) từ 30 lên 90 ngày; kéo dài thời hạn lưu trú lên 45 ngày cho công dân 13 nước. Theo ông Trí, nếu khách vào dễ (chính sách visa nới lỏng) nhưng đến nơi lại không có gì chơi khách sẽ lại rời đi. Do đó, song song với việc nới lỏng chính sách visa, ngành du lịch Việt cần có các sản phẩm đặc trưng, độc đáo với từng thị trường khách quốc tế để giữ chân khách ở lại lâu, chi tiêu nhiều.
Khách quốc tế đóng vai trò quan trọng nhưng Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng để thu hút khách đến đông, tiêu nhiều như các nước trong khu vực. So với 10 nước Đông Nam Á (không gồm Đông Timor), lượng khách và doanh thu du lịch trong 10 năm trước dịch của Việt Nam đứng thứ năm, mức trung bình, sau Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia.
Về doanh thu khách quốc tế trên GDP, trong 10 năm Việt Nam cũng có mức tăng trưởng dần đều, từ 3,2% năm 2010 lên 5,32% năm 2019. 2019 cũng là năm ngành du lịch Việt có doanh thu từ khách quốc tế trên GDP cao nhất trong 10 năm trước dịch, đứng thứ tư trong Đông Nam Á. Những năm còn lại, Việt Nam thường nằm top 5 hoặc 6.
Theo ông Chính, du lịch Việt cần có kế hoạch ngắn, trung và dài hạn trong việc hút khách du lịch. Đối với kế hoạch ngắn hạn, Việt Nam cần cải thiện và đơn giản hóa các quy định về thị thực cũng như cải thiện khả năng tiếp cận hàng không, khuyến khích nhiều chuyến bay thẳng hơn từ các thị trường trọng điểm. Hàng không và du lịch cần tăng cường hợp tác cũng như giảm phí dịch vụ tại sân bay quốc tế.
Với chiến lược trung hạn, ngành cần phát triển các sản phẩm du lịch có trách nhiệm, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của khách nhiều hơn cũng như đẩy mạnh và đổi mới chiến dịch tiếp thị, quảng bá du lịch. Giới chức cũng cần tăng cường quản lý điểm đến bền vững và thân thiện, qua đó giúp gia tăng trải nghiệm của khách và thu hút họ quay lại điểm đến nhiều hơn. Chuyển đổi số trong du lịch cũng cần được thúc đẩy nhằm đáp ứng nhu cầu, xu hướng mới của khách sau dịch.
Đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông lẫn du lịch, mở rộng thêm nhiều tuyến đường bộ đến các điểm du lịch và cảng hàng không quốc tế là chiến lược dài hạn mà ngành cần hướng tới. Sau dịch, nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu vừa yếu nên cần đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu cao của khách.
Giá vé máy bay năm 2024 tăng khiến giá tour bị đẩy cao, có thể khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam chậm lại, ông Chính nói và cho rằng đây là “thực tế nhiều quốc gia cũng gặp phải”. Tại Thái Lan, từ tháng 7/2023 Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải đưa các giải pháp giảm chi phí giá vé máy bay. Tháng 2 năm nay, cục Hàng không Dân dụng Thái Lan (CAAT) đã nghiên cứu tìm nguyên nhân và xây dựng kế hoạch giải quyết. Thái Lan đã phân bổ kinh phí hỗ trợ giá lên tới 40% giá trị của vé máy bay và chi phí phòng nghỉ cho 2 triệu vé máy bay khứ hồi và 5 triệu đêm lưu trú.
Việt Nam cũng có thể làm theo cách tương tự để thúc đẩy, phát triển du lịch – hàng không bằng cách đưa ra gói combo vé máy bay và voucher phòng, vé khu vui chơi với mức giá tốt. Ngoài công bố rộng rãi trên thị trường, ngành du lịch cần lựa chọn các cơ sở lưu trú có uy tín để tham gia chương trình kích cầu này. Ông Chính tin rằng với cách làm này điểm đến Việt Nam sẽ hấp dẫn và thu hút khách quốc tế mạnh mẽ hơn.
“Lượng khách quốc tế và doanh thu chính là thước đo thành công của ngành du lịch hầu hết các nước, không riêng Việt Nam”, CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt nhận định.
Vnexpress.net