Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong quý 1 năm nay lần đầu vượt cùng kỳ năm 2019, năm được đánh giá là hoàng kim của ngành du lịch trước khi đại dịch Covid-19 ập đến.
Khách Âu, khách Á đều tăng “khủng”
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến VN tháng 3 đạt gần 1,6 triệu lượt người, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 78,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung quý 1, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 – năm được đánh giá là thời kỳ hoàng kim của du lịch Việt. Từ sau “bóng đêm” Covid-19 đến nay, đây là quý đầu tiên VN đón lượng khách quốc tế vượt thời điểm 2019.
Động lực chính cho sự phục hồi và tăng trưởng này tiếp tục đến từ thị trường truyền thống Đông Bắc Á. Trong đó, Hàn Quốc tiếp tục là quốc gia có tổng lượng khách lớn nhất đến nước ta với hơn 1,2 triệu lượt trong 3 tháng đầu năm, bằng 150% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 10% so cùng kỳ 2019. Ấn tượng nhất phải kể tới thị trường Trung Quốc. Mặc dù lượng khách Trung Quốc sang VN trong 3 tháng mới chỉ đạt 890.000 lượt (cùng kỳ 2019 là gần 1,3 triệu lượt), song tỷ lệ tăng so với năm ngoái đã đạt tới 534,5%, tương đương gấp 6,4 lần. Thị trường Đài Loan, Nhật Bản cũng tăng lần lượt 127,3% và 52,7%. Các thị trường gần ở khu vực Đông Nam Á cũng tăng trưởng tốt…
Bên cạnh đó, các thị trường khách ở châu Âu đều tăng trưởng sôi động, như Pháp tăng 29,3%, Ý tăng 27,1%, Anh tăng 15%, Đức tăng 15,8%… Đây là những thị trường được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương nhập cảnh VN với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày.
Lượng khách quốc tế đến VN tăng trưởng mạnh lập tức “thổi hồn” sinh động cho các điểm đến. Hơn 23 giờ tối thứ bảy (30.3), tuyến đường Bùi Viện (Q.1, TP.HCM) đông nghẹt khách kéo dài từ đường Đề Thám vào tới khu vực phố đi bộ. Hầu hết các hàng quán đều kín chỗ, đa phần là khách nước ngoài. Vừa nâng ly cùng hội bạn 5 người, cô Jennis Oprasert vừa nhún nhảy theo điệu nhạc. Đây là lần đầu tiên cô gái Thái Lan 23 tuổi đến TP.HCM. “Hồi trước dịch, tôi có đi tour cùng bố mẹ tới VN, đi Sa Pa. Sau đó nhà tôi chuyển sang Pháp định cư cùng ông bà. Lần này tôi đưa bạn bè bên Pháp về quê Thái Lan chơi, mọi người rủ nhau qua VN rồi sang Lào chơi luôn. TP.HCM quá vui, quá nhộn nhịp. Con đường này cũng sôi động y như mấy tuyến phố bên Pattaya. Tôi đã đi xe buýt tham quan 1 vòng TP. Rất đẹp và ít kẹt xe hơn Bangkok”, Jennis vui vẻ chia sẻ.
Những tuyến đường nhỏ xương cá nối ra hướng Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Đạo cùng hòa chung bầu không khí đông đúc, nhộn nhịp. Hướng Q.Bình Thạnh, khu vực đường Phạm Viết Chánh được ví như “Bùi Viện thứ 2” cũng tấp nập khách Tây tới các quán bia, pub nhỏ xinh cả những ngày trong tuần.
Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh đánh giá, hơn 2 năm mở cửa trở lại sau đại dịch, du lịch VN đang trên đà khôi phục và phát triển với nhiều thành tựu nổi bật. Đặc biệt, từ 15.8.2023, VN áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ với thời hạn lưu trú lên đến 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần, đồng thời kéo dài thời hạn tạm trú đối với các nước được VN đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày. Chính sách này đã được cộng đồng quốc tế chào đón, trở thành đòn bẩy quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng khách quốc tế đến VN. Tiếp đà từ cuối năm 2023, hoạt động du lịch sôi nổi ngay từ đầu năm báo hiệu năm 2024 ngành du lịch sẽ phục hồi mạnh mẽ.
Doanh nghiệp vẫn “chưa ổn” ?
Liên tục tổ chức các sự kiện xúc tiến, kết nối hàng trăm doanh nghiệp (DN) du lịch với các đối tác trong và ngoài nước, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH du lịch Vina Phú Quốc, cho biết tình hình du lịch Phú Quốc (Kiên Giang) đã bắt đầu ấm lên. Các công ty đang tập trung chuẩn bị kế hoạch cho kỳ nghỉ lễ 30.4 – 1.5 và cao điểm hè sắp tới, ghi nhận nhu cầu của du khách đang “nhích” dần, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Mùa này, khách từ thị trường châu Âu hoặc Hàn Quốc đến Phú Quốc có thể sẽ giảm nhẹ nhưng dòng khách Nga, Trung Quốc, Đài Loan được dự báo sẽ tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, tình hình sức khỏe của các DN trong hệ sinh thái du lịch vẫn chưa theo kịp đà tăng của du khách.
Ông Huy lý giải, mặc dù lượng khách quốc tế nhìn chung tăng trưởng tốt nhưng nguồn khách nội địa lại khá ảm đạm. Trước dịch, lượng khách nội địa và quốc tế đến Phú Quốc ở mức ngang nhau. Tuy khách quốc tế hiện tăng trưởng tốt nhưng là so với năm trước, chứ chưa được như hồi trước dịch, chưa nói đến gánh thêm phần thiếu hụt từ thị trường nội địa. Do đó, hệ thống nhà hàng, khách sạn vẫn gặp khó. Với các công ty lữ hành lại càng khó hơn bởi xu hướng khách đi du lịch tự túc ngày càng tăng, cộng thêm giá vé máy bay đắt đỏ ảnh hưởng rất nhiều tới chiến lược, kế hoạch kinh doanh của họ. Hiện Công ty Vina Phú Quốc phải linh hoạt chuyển động, đẩy mạnh các tour tuyến đường bộ, đường biển, đưa khách từ Tây nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và khách quốc tế từ Campuchia, Lào, Thái Lan theo tuyến Hà Tiên tới Phú Quốc. “Lượng khách quốc tế đến hoàn toàn có cơ sở để lạc quan đạt hoặc vượt chỉ tiêu, song chưa thể nói được đến bao giờ các DN mới phục hồi lại được như thời trước dịch. Còn rất nhiều yếu tố tác động, nhiều thách thức”, ông Huy nói.
Ông Võ Việt Hòa, Giám đốc khối du lịch quốc tế, Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, cũng thừa nhận Lữ hành Saigontourist vẫn đang khá chật vật để hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh phục hồi như thời điểm 2019. Số lượng khách quốc tế đến VN đang tăng trưởng mạnh, nhưng các công ty du lịch vẫn “đói” khách do khách quốc tế nhập cảnh nhiều nhưng trong số đó, dòng khách du lịch thuần túy chưa đạt như kỳ vọng. Phân tích từ thực tế 3 thị trường truyền thống của VN ở khu vực Đông Bắc Á, ông Hòa chỉ rõ: Thời gian qua, khách Hàn Quốc đến VN rất đông nhưng các công ty lữ hành trong nước rất khó “chen chân” vào hệ sinh thái của họ, không thể cung cấp dịch vụ trọn gói mà chỉ làm những dịch vụ nhỏ lẻ khá “xương xẩu”.
Khách Nhật Bản đến VN chưa tăng cao do người Nhật đang thắt chặt chi tiêu. Tuy vậy, các chuyến bay từ Nhật về VN lúc nào cũng đông. Điều này cho thấy có thể chủ yếu là đối tượng doanh nhân Nhật Bản tới VN làm việc, công tác, còn lượng khách du lịch không đông.
Riêng với thị trường Trung Quốc, Lữ hành Saigontourist chủ yếu khai thác phân khúc trung cấp, cao cấp và khách đi du thuyền. Sau 2 năm trông chờ, thị trường này không bùng nổ như kỳ vọng. Đến năm nay khi Trung Quốc có chính sách nới lỏng kiểm soát, khuyến khích người dân đi du lịch thì mới có kỳ vọng phát triển tốt hơn. “Nhìn chung, Đông Bắc Á là thị trường thuận lợi nhất đối với du lịch VN nhưng hiện vẫn đang khó. Chưa kể chi tiêu của người dân trong nước và một số quốc gia cũng thắt chặt hơn do suy thoái kinh tế. Vì thế, lượng khách đông nhưng làm sao để “thấm” vào nền kinh tế, làm sao để các DN trong hệ sinh thái hấp thụ được, là vấn đề cấp bách cần suy xét kỹ lưỡng”, ông Hòa nhìn nhận.
Về phía hàng không, đại diện Vietnam Airlines cũng chia sẻ hãng bay đang phải xoay xở tìm nguồn khách mới bù đắp lượng bị thiếu hụt từ các thị trường trọng điểm trước dịch. Tại Vietnam Airlines, khách du lịch quốc tế đến VN mới bằng 90% của năm 2019. Nguyên nhân do các thị trường chính Trung Quốc, Nga chưa khai thác được. Khách Nhật Bản cũng giảm do nước này có chính sách thu hút khách vào hơn khuyến khích người dân ra nước ngoài. Vietnam Airlines đang chuẩn bị mở thêm đường bay đến Philippines vào tháng 6 tới, và mở đường bay Munich, Đức vào tháng 10, hy vọng đón thêm luồng khách mới.
Giữ du khách ở lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn
Bà Phan Thị Thúy Dung, đại diện Tập đoàn Sun Group, đánh giá tín hiệu khởi sắc lớn nhất là lượng khách quốc tế đã tăng nhưng chưa đạt như kỳ vọng. Tại Đà Nẵng, khu du lịch Bà Nà của Sun Group đón khoảng 84% khách quốc tế; khu nghỉ dưỡng New World ở Phú Quốc đón khoảng 85% khách Hàn và một số thị trường mới như Nga, Kazakhstan nhưng họ phải bay quá cảnh trước khi tới Phú Quốc. Thực tế, nhiều khách quốc tế đến VN thời điểm này vẫn còn gặp rào cản về visa và đường hàng không. Do đó, để có thể tăng cường thu hút các thị trường khách quốc tế mới, bù đắp những thị trường truyền thống lớn đang bị hao hụt như Trung Quốc, Nga, phía Sun Group vẫn tha thiết kỳ vọng chính sách visa sẽ tiếp tục được cải thiện, nới lỏng hơn nữa.
“Trước mắt, chúng ta có thể cân nhắc đề xuất miễn thị thực trong thời gian ngắn hạn (từ 6 tháng đến 1 năm) cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan… Đồng thời, cần nghiên cứu thí điểm cấp thị thực dài hạn (3 năm, 5 năm) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu với một số thị trường mục tiêu như Mỹ, Úc, Hàn Quốc… Thu hút được khách đến thăm nhà rồi, điều quan trọng tiếp theo là phải tìm cách giữ chân du khách hoặc khiến du khách muốn quay trở lại. Cần có nhiều yếu tố để có thể làm được điều này, nhưng quan trọng là phải đầu tư cho những sản phẩm du lịch mang dấu ấn văn hóa bản địa, bởi văn hóa vẫn là giá trị cốt lõi đem đến cảm xúc khác biệt tại mỗi điểm đến và sự phát triển du lịch bền vững”, bà Thúy Dung đề xuất.
Chi tiêu của du khách cũng là một trong những vấn đề được các DN, địa phương đặc biệt chú trọng. Nhìn vào số liệu từ Tổng cục Thống kê có thể thấy, số lượng khách quốc tế đến VN trong quý 1 tăng tới 78,6% so với cùng kỳ 2023 nhưng doanh thu từ du lịch chỉ tăng 28,3%, cho thấy xu hướng “mở hầu bao” của du khách ngày càng giảm.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel, thẳng thắn: VN đã nới rộng chính sách visa để khách vào nhiều hơn, được ở lâu hơn nhưng lại chưa chú trọng câu chuyện họ ở lâu hơn thì đi đâu, làm gì, làm sao để họ phải “mở hầu bao” và khi về vẫn muốn quay lại. Ngay từ vấn đề quy hoạch đã khá mơ hồ. Thái Lan xác định rõ họ muốn bao nhiêu khách ở thị trường nào, làm gì để đạt được mục tiêu đó. Họ muốn đón khách Trung Quốc thì mở visa, muốn khách chi tiêu nhiều thì nới thời gian chơi đêm. VN chưa làm được như vậy, trong khi nếu không làm rõ vấn đề quy hoạch cho từng thị trường, từng khu vực thì việc đầu tư sẽ rất dàn trải và tốn kém. Không có quy hoạch thì không thể làm kế hoạch được.
Chúng ta chưa có quy hoạch “vùng nan hoa”, từ đó tạo kết nối, quy hoạch lại sản phẩm du lịch của các địa phương để hỗ trợ chứ không cạnh tranh nhau. Bộ sản phẩm du lịch hiện nay vẫn chỉ theo dạng “xương cá”, khách đi dọc 1 tuyến từ Bắc đến Nam hoặc ngược lại là hết. Kết nối du lịch để tạo sản phẩm thì hạn chế nằm ở khâu liên kết không sâu và lỏng lẻo. Đó là chưa kể với các yếu tố hấp dẫn du khách đến, VN đều đang rất hạn chế. Ngoài ra, công tác quảng bá, truyền thông chưa được chú trọng. Hiện nay, gần như chỉ có DN hàng không, lữ hành tự bỏ tiền tổ chức quảng bá, tiếp cận và khởi động thị trường.
“Các chính sách cho du lịch thời gian qua chuyển động rất chậm, khiến nhiều cơ hội bị bỏ lỡ một cách đáng tiếc. Đã xác định du lịch là ngành mũi nhọn thì phải có những chính sách đồng bộ, cần ưu đãi, đầu tư mạnh cho chính sách đối với ngành du lịch”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nêu vấn đề.
TP.HCM chú trọng chất lượng khách hơn số lượng
Sau Covid-19, ngành du lịch TP định hướng chú trọng về đóng góp của doanh thu, không quá chú trọng vào lượng khách, nhất là trong bối cảnh khách quốc tế chưa ổn định ở các thị trường khác nhau. Năm 2024, TP.HCM đặt mục tiêu đón khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế, 38 triệu lượt khách nội địa và tổng doanh thu khoảng 190.000 tỉ đồng, cao hơn cả mức doanh thu năm 2019. Để đạt mục tiêu, ngành du lịch TP định hướng tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào kinh tế đêm, xây dựng thêm nhiều tour du lịch về đêm hấp dẫn. Đồng thời, xây dựng các chương trình liên kết với các điểm du lịch khác trong cả nước, tạo điều kiện cho các DN xây dựng thêm các tour mới, đạt hiệu quả cả về chất lượng tour cũng như giúp giá thành tour giảm đi. Tiếp tục tổ chức các sự kiện du lịch kết hợp với lễ hội văn hóa – thể thao, các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để tăng trưởng du lịch tăng cao và ổn định…
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM
Năm 2024, ngành du lịch VN đặt mục tiêu đón từ 17 – 18 triệu khách du lịch quốc tế, phục hồi như trước đại dịch Covid-19, phục vụ 110 triệu khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 34 tỉ USD. Để đạt mục tiêu này, ngành du lịch sẽ ưu tiên liên kết hợp tác với các cơ quan đối tác trong và ngoài nước, phát triển sản phẩm hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao, bao gồm sản phẩm du lịch mua sắm; thu hút dòng khách chất lượng, có khả năng chi trả cao…; phát triển sản phẩm du lịch dựa trên các lợi thế tiềm năng để thu hút khách trong và ngoài nước cũng như tăng tỷ lệ khách quay lại. Quan trọng là sản phẩm phù hợp giữ chân du khách.
Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh
Thanhnien.vn