Chị Thanh Thảo (Q.10, TP.HCM) bức xúc cho biết: “Khoản vay ngân hàng trong thời gian 5 năm qua gần như không nhận được sự hỗ trợ nào, kể cả vào thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng phong tỏa. Tôi đóng tiền tháng nào cũng đúng thời hạn, vậy mà ngân hàng vẫn tính lãi suất vay cao, chẳng phân biệt khách thân thiết hay không”.
Cách đây 5 năm, chị Thanh Thảo vay ngân hàng 5 tỉ đồng, đến nay đã trả được gần một nửa mà số tiền đóng hàng tháng cho ngân hàng gần như không giảm, mỗi tháng gần 50 triệu đồng cả gốc và lãi. Lí do là trong năm đầu vay, lãi suất mà ngân hàng tính cho chị Thanh Thảo là 8%/năm nhưng sau thời gian ưu đãi, lãi vay ngân hàng liên tục tăng lên sau đó. Đỉnh điểm vào tháng 3.2023, ngân hàng tính lãi vay cho số tiền còn lại lên 13,1%/năm khiến chị Thanh Thảo bức xúc.
Vì vậy khi được thông tin sắp tới cho phép khách hàng chuyển khoản vay này sang ngân hàng khác nếu thương lượng được lãi thấp hơn, chị Thanh Thảo vui mừng cho biết: “Như vậy, những khách hàng trả nợ đúng hạn như tôi mới có cơ hội thương lượng lãi vay cũ. Không bị ngân hàng bắt chẹt trong thời gian vay”.
Đó là quy định trong Thông tư 06/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016 (Thông tư 39) quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng của Ngân hàng Nhà nước. Thông tư 06 bổ sung quy định TCTD được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại TCTD khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống. Tại Thông tư 39/2016 hiện hành, khách hàng chỉ được vay để trả nợ khoản vay tại TCTD khác đối với khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh, không áp dụng đối với khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống.
Việc mở rộng quy định cho khách hàng trả nợ tại TCTD khác áp dụng đối với cả khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh và nhu cầu đời sống sẽ tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận thêm các vốn tín dụng ngân hàng, có thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các TCTD khác (nếu có).
Đơn cử, trường hợp một khách hàng cá nhân đang có dư nợ của khoản vay mua nhà tại một ngân hàng A trong khi tại ngân hàng B, cùng khoản vay mua nhà như vậy lãi suất cho vay thấp hơn; đồng thời khách hàng vay vốn sẽ được hưởng thêm ưu đãi thì với quy định này, khách hàng hoàn toàn có thể đến ngân hàng B đề xuất nhu cầu vay vốn để trả nợ trước hạn cho khoản vay tại ngân hàng A. Như vậy, khách hàng dễ dàng tiếp cận khoản vay mới với mức chi phí thấp hơn, được tiếp cận và sử dụng thêm các dịch vụ mới. Thông tư 06 sẽ có hiệu lực từ ngày 1.9.2023.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, đối với nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống tiêu dùng thiết yếu, mục đích tiêu dùng sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình như vay mua ô tô, mua trang thiết bị tiêu dùng… khách hàng không cần phải có phương án, dự án. Theo đó, khách hàng chỉ cần có thông tin về tổng nguồn vốn cần sử dụng, mục đích sử dụng vốn, thời gian sử dụng vốn, và nguồn trả nợ của khách hàng, mà không cần phải xây dựng phương án, dự án cụ thể phục vụ nhu cầu đời sống.
Đối với những nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống để mua nhà ở, xây dựng, cải tạo nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở thường có giá trị lớn, khách hàng mới phải bổ sung phương án, dự án trong hồ sơ đề nghị vay vốn đối với nhu cầu vốn này để TCTD có đầy đủ thông tin về mục đích vay vốn của khách hàng và để đảm bảo giám sát việc khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích.