Bài viết ‘Dặn ‘đám cưới nhớ mời’ rồi không đi, tiền mừng cũng chẳng gửi’ trên Tuổi Trẻ Online nhận được nhiều bình luận của bạn đọc với hai luồng ý kiến khác nhau.
Người cảm thông cho cô dâu chú rể, người thì trách do chủ tiệc không tự biết sắp xếp, mời tràn lan người không thân thiết và nhận định không nên đổ lỗi cho khách không tham dự, không gửi tiền mừng nếu tiệc cưới “lỗ vốn”.
“Từ khi nào khách mời phải chịu trách nhiệm lời lỗ của tiệc?”
Đã trải qua chuyện khách mời không dự cũng chẳng gửi tiền mừng, hai độc giả daot****@gmail.com và TVT ấm ức chia sẻ:
“Cưới của con tôi, tôi mời thì anh không đến, gặp nhau thì xin lỗi và bảo mừng cháu, tôi không nhận. Không lâu anh ấy mời tôi dự cưới con anh, tôi đành đi và mừng mà lòng cũng chẳng vui. Trong đời nhiều người ứng xử chán thật”.
“Tôi đã từng bị như các bạn trong bài viết. Tôi đi dự tiệc cưới hai con của một anh đồng nghiệp, nhưng khi mời cưới cho hai con tôi thì anh ấy không đến dự và không gửi thiệp mừng dù chỉ một lần. Rất chi là ấm ức”.
Bạn đọc Ý Cò nêu suy nghĩ: “Đụng chuyện mới biết ai là bạn, nên tôi cứ bày trò rồi loại ra từ từ. Đến giờ tuy chỉ có chục người thân thiết nhưng còn hơn đông đúc”.
Bạn đọc Trần Minh cho rằng khi mời cưới, người ta đi hay không thì tùy họ. Sao lại có chuyện vì mình đã đi đám cưới của họ rồi giờ mình mời lại thì họ phải đi để trả lễ, không đi thì oán trách nhau.
“Giờ còn cái cảnh in mã QR lên thiệp cưới, ai không đi thì chuyển khoản. Người nhận nhìn cái thiệp cưới cứ như cái giấy báo nợ, mất hết ý nghĩa của một việc vui”, bạn đọc này nói và cho biết chỉ những ai đặt nặng việc kiếm chác, lời lỗ của mình lên trên ý nghĩa thật sự của tiệc cưới thì mới thấy ấm ức, khó chịu.
Tương tự, hai bạn đọc Uyên và Như lần lượt có cùng quan điểm khi cho rằng việc lời lỗ của một đám cưới không liên quan gì đến khách mời.
Đi đám cưới là tự nguyện chứ không phải nghĩa vụ. Không hiểu từ khi nào khách tham dự là người phải chịu trách nhiệm cho việc lời lỗ của một đám cưới, đám hỏi.
Bản thân cô dâu chú rể nên tự biết thu xếp xem ai là người nên mời chứ cứ mời tràn lan xong người ta không đi lại trách thì quả thật đang tự xem đám cưới như cuộc mua bán nhằm chuộc lợi.
Tôi đã từng gặp nhiều trường hợp đồng nghiệp không quen biết, chỉ gặp nhau vài lần cũng mời cưới. Người đã từ mặt nghỉ chơi gần 2 năm mà cũng liên lạc lại chỉ để mời cưới.
Bản thân cô dâu chú rể nên tự biết thu xếp xem ai là người nên mời, chứ mời tràn lan xong người ta không đi lại trách thì đang tự xem đám cưới như cuộc mua bán nhằm chuộc lợi. Chưa kể có những cô dâu đám hỏi còn bắt khách đi tiền, vì đi quà cưới sẽ “lỗ”. Từ khi nào khách dự phải chịu cả trách nhiệm lời lỗ của bữa tiệc luôn vậy?
Người có nickname Bạn đọc thân thiết nói rằng ngày vui của mình thì cũng nên hoan hỉ. “Nếu mục đích làm đám cưới để kiếm lời thì các anh chị nên học thêm môn “quản trị rủi ro”, biết chấp nhận rủi ro nữa nhé”, bạn đọc này nói.
Đồng quan điểm, độc giả Ngọc nhấn mạnh khi nào còn tính toán thiệt hơn, lời lỗ của một đám cưới thì chuyện này còn chưa đến hồi kết. Nếu xem đám cưới là dịp vui, chỉ mời đủ những ai thật thân thiết và đừng mang ý nghĩ lời lỗ thì đã chẳng từ mặt nhau vì chuyện cỏn con.
“Tôi từng quên đi đám cưới và từng quên gửi tiền mừng cưới. Mãi hơn 4 tháng sau tôi mới nhớ ra và gửi. Thay vì bốc phốt như bài viết, bạn tôi lắng nghe và hiểu rằng tôi thực sự quên và không cố ý. Sau đấy chúng tôi rất vui vẻ, bạn cần gì tôi đều giúp. Đọc bài này xong – tôi thấy mình cực kỳ may mắn vì bạn tôi không nhỏ nhen”, tài khoản namb****@gmail.com viết.
“Cho dù chúng ta từng đi rất nhiều đám cưới, nhưng không có nghĩa giờ mình phải mời lại họ, cần cân nhắc cho kỹ. Còn tư duy cưới để có chút vốn làm ăn thì xưa rồi. Nghĩ thế rồi bày ra tốn kém, gánh cục nợ”, độc giả Minh Tú nói.
Hãy coi mâm cỗ vắng khách là mâm dự phòng
Ở góc độ khác, một số người tỏ ra cảm thông cho cô dâu chú rể khi cho rằng nếu không đi đám cưới được thì cũng nên gửi tiền mừng, chí ít cũng có câu xin lỗi vì người ta quý mến thì mới mời mình tới chung vui.
Là người ở độ tuổi trung niên, độc giả Phạm Thiết Hùng nhẹ nhàng nhìn nhận: Người mời cưới mà không nhận được sự đáp ứng của người được mời cũng không nên bận lòng. Người được mời không tới dự, không gửi lời chúc, không gửi thiệp mừng, không gửi bao thơ, không lời cáo lỗi cũng chẳng sao. Sau lễ cưới tổng kết lại biết ai là bạn đúng nghĩa.
“Những người trước đây ngỡ là bạn, nay lộ ra không phải vậy thì hãy tỉnh bơ như không có gì xảy ra. Không có họ, lễ cưới vẫn diễn ra thành công. Mỗi tiệc cưới bao giờ cũng có số lượng mâm cỗ dự phòng. Hãy coi những mâm cỗ cưới chuẩn bị mà không người dự là mâm cỗ dự phòng.
Mặt khác, chúng ta cũng tự nhận lại mình. Trong cuộc sống đã có lúc ta chưa làm hài lòng ai đó”, nhận định của bạn đọc này nhận được đồng tình của nhiều người.
Làm sao để lượng khách đến dự vừa vặn?
Từ câu chuyện của mình, bạn đọc Da Nang gợi ý: “Hồi tôi cưới vợ, hai vợ chồng lấy sổ ra ghi chi tiết khách mời để đặt khẩu phần ăn.
Ngoài cột tên khách mời, tôi có thêm mấy cột cho từng khách mời: Đi, không đi, đi cặp, đi có con nhỏ, chưa chắc chắn, gởi, không gởi. Chính vì tính chi tiết vậy, đám cưới tôi không thừa cũng không thiếu, vừa vặn, con số rất đẹp”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/khach-du-dam-cuoi-la-de-chung-vui-dung-moi-nhieu-de-kiem-loi-20240520130012819.htm