Trưa 1-5, dù giữa nắng nóng như thiêu đốt nhưng các lối vào rừng dừa Cẩm Thanh vẫn có các nhóm thúng chai nối nhau đi dưới tán rừng để chở khách.
Đâu cũng ùn ùn, nhưng khách ít chi tiêu
Chiều 30-4, đứng trên dãy nhà hàng ven biển An Bàng và nhìn dòng người chen kín dưới bãi tắm, ông T.V.H. – chủ một nhà hàng hải sản ở Hội An – than vãn: “Nhìn cảnh người nêm chật như thế này, ai cũng bảo buôn bán đắt đỏ. Nhưng sự thực là kỳ nghỉ lễ 30-4 năm nay buôn bán rất kém”.
Trong những đêm 27-4 đến 1-5, các nhà hàng ở dọc sông Cổ Cò đoạn giáp ranh giữa phường Cẩm An và Cẩm Châu (Hội An) có rất ít khách.
Tại nhà hàng Coco Casa, không gian được bài trí đậm màu sắc nghệ thuật, nhà hàng kỳ công trang trí chuẩn bị cho lượng khách dự kiến sẽ ùn ùn đổ về thưởng thức ẩm thực mấy ngày lễ. Nhưng tất cả đều không như kỳ vọng.
“Năm nay, không biết khách đi đâu, mà mình không lý giải nổi. Từ sau dịch tới nay, mọi thứ thay đổi rất nhanh. Các doanh nghiệp đều mong chờ dịp lễ, du lịch hè để buôn bán, nhưng tình hình rất vắng”, ông Lê Ngọc Thuận – chủ nhà hàng Coco Casa – nói.
Khu vực chứng kiến dòng người “ùn ùn như thác” rõ nhất là trung tâm phố đi bộ. Từ 18h tới 22h khuya, khách đổ về từ các hướng khiến các con phố từ ngoài vào chật ních.
Các doanh nghiệp ở phố cổ cho biết khách ghé đông chỉ ở một số tiệm cà phê, hàng ăn đường phố, đặc sản Hội An.
Phần lớn các nhà hàng có tên tuổi, đầu tư công phu thì khách ghi nhận không có đột biến.
Không nên giữ tư duy đếm số liệu khách
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết trong dịp lễ 30-4 và 1-5, các điểm đến của Quảng Nam đón khoảng 233.000 khách. Trong số này, nguồn khách quốc tế ghi nhận tăng 10%, khách nội địa giảm 19%.
Dù kỳ vọng rất lớn vào dịp lễ dài ngày này, rất bất ngờ là so với năm 2023, số khách năm nay đổ về Quảng Nam ghi nhận giảm khoảng 5%. Tổng doanh thu du lịch 5 ngày lễ ước đạt khoảng 600 tỉ đồng. Tiền vé tham quan tại phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn tăng không nhiều so với các năm trước.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua sắm, nhà hàng, dẫn tour ở Hội An cho biết thời tiết năm nay quá nóng, không chỉ khách đến Hội An giảm mà đa phần khách cũng ít đi ra ngoài để ăn uống, tiêu dùng.
Trong khi đó, một thực tế rất đáng buồn đang dần trở thành hiện thực ở Hội An mà lâu nay không ít doanh nghiệp đã cảnh báo.
Đó là dù khách ùn ùn các hướng vào phố cổ, rừng dừa Cẩm Thanh nhưng chủ yếu để tham quan. Khách không lưu trú, không sử dụng dịch vụ, mà đón xe ngược ra Đà Nẵng vì có nhiều tiện ích hơn.
“Chúng tôi tìm được một đoàn khách tới Hội An giai đoạn hiện nay phải nói là… chảy máu mắt. Trước đây khách Tây ùn ùn về phố cổ, họ thích sự yên tĩnh, nhưng giờ thì đã khác hẳn. Khách đã khó rồi, nhưng giờ người ta tới tham quan xong lại yêu cầu ra lại Đà Nẵng để ở qua đêm.
Lý do rất dễ hiểu: Đà Nẵng dịch vụ tốt hơn, giá phòng lưu trú rẻ hơn rất nhiều so với Hội An. Trong cùng một khu vực, nhưng ở Đà Nẵng, khách có nhiều lựa chọn: đi bộ dạo phố, đi tắm biển, ghé nhà hàng ăn hải sản. Vậy tại sao khách ở lại Hội An trong khi Đà Nẵng đông vui hơn?
Anh em làm du lịch đang nhìn nhau mà không biết trả lời ra sao”, chị H.H.T – giám đốc kinh doanh một khu lưu trú lớn tại Hội An – nói.
Gió đã đổi chiều?
Nhiều doanh nghiệp tại Hội An cho biết khách châu Âu, Úc, Mỹ là dòng khách truyền thống của phố cổ. Nhưng do kinh tế khó khăn, chiến tranh… nên từ sau đại dịch COVID-19 tới nay, bức tranh du lịch ở Hội An thay đổi chóng vánh.
Nhóm khách truyền thống đang ít dần, khách châu Âu thường đòi hỏi khắt khe về dịch vụ, trả giá rát, chứ không còn hào phóng như trước.
Trong khi đó, thị trường châu Á như Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ… chứng kiến sự đổ bộ mạnh vào các điểm đến miền Trung.
“Trước đây người ta hay nói với nhau rằng khách Tây chịu chi. Thực tế chúng tôi thấy khách Đài Loan, Trung Quốc, thậm chí khách nội địa giờ mới là số một. Họ hơi to tiếng, ồn ào nhưng ăn uống, dùng dịch vụ rất mạnh tay.
Chúng ta cần nhìn nhận đúng để có chính sách kích cầu hợp lý, vẫn chăm sóc dòng khách truyền thống, nhưng cũng cần nuôi dưỡng thật tốt để tận dụng dòng khách mới nổi này.
Hội An cũng như tất cả các điểm đến khác, khách chi tiêu nhiều thì du lịch mới phát triển được. Mỗi dòng khách đều có sự khác biệt và đóng góp chung cho ngành du lịch” – chủ một khách sạn ở Hội An nói.