6 tỉnh vùng Đông Nam Bộ trong năm 2023 đón hơn 63 triệu lượt khách, tăng hơn 18% và chiếm hơn 50% lượng khách du lịch cả nước.
Tại hội nghị sơ kết triển khai thực hiện liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ ngày 22/12, Phó cục trưởng Cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết lượng khách du lịch đến các tỉnh vùng Đông Nam Bộ tăng 18,55%, doanh thu tăng 22,13% so với năm trước. Vùng chiếm 54,2% tổng số khách du lịch và chiếm 26,9% tổng doanh thu du lịch của cả nước năm 2023.
Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh thành: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh với diện tích hơn 23.560 km2, dân số hơn 18,7 triệu người (năm 2021). Vùng đóng góp hơn 31% GDP của cả nước. Tháng 6/2020, TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch; tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo ông Siêu kết quả đạt được chứng minh Đông Nam Bộ là vùng du lịch trọng điểm của cả nước. Tuy nhiên, năm 2024 và những năm tiếp theo, vùng cần cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng hiện đại, chất lượng, bền vững và hiệu quả, chuyên nghiệp; thu hút khách quốc tế; thu hút đầu tư hạ tầng cơ bản đặc biệt cho các khu du lịch quốc gia, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Dũng cho rằng nếu thực hiện tốt việc liên kết, du lịch Đông Nam Bộ sẽ giữ chân khách tăng thời gian lưu trú và chi tiêu. Giai đoạn 2020 – 2022, tổng lượng khách du lịch đến vùng Đông Nam Bộ trên 73 triệu lượt, doanh thu hơn 260.000 tỷ đồng, trong đó có gần 3,1 triệu lượt khách quốc tế.
Theo ông Dũng du lịch của vùng Đông Nam Bộ vẫn còn nhiều thách thức như lượng khách quốc tế đến các tỉnh trong vùng chưa cao, chưa có những sản phẩm mới chủ lực, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khôi phục hoạt động chưa thực sự hiệu quả, các dịch vụ chưa kết nối để tạo thành hệ sinh thái kinh tế du lịch, hạ tầng còn thiếu, chưa đồng bộ.
Lãnh đạo TP HCM cho rằng cần xác định hợp tác, liên kết là tất yếu để duy trì và mở rộng thị trường khách du lịch vùng Đông Nam Bộ. Từ đó, xây dựng sản phẩm du lịch liên kết phù hợp như “6 địa phương – 1 điểm đến”, làm nổi bật đặc trưng của mỗi địa phương nhằm tăng sức hút cho điểm đến Đông Nam Bộ, khai thác thị trường khách quốc tế, Ấn Độ, Trung Đông và Bắc Âu để thay thế sự sụt giảm của khách Trung Quốc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các điểm du lịch, khách sản, chất lượng hướng dẫn viên.
Trường Hà