Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu tham dự phiên họp.
Dự thảo Nghị quyết đã được tiếp thu và chỉnh sửa gồm 7 chương, 49 điều. Báo cáo tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, về tổ chức tiếp xúc cử tri, Dự thảo Nghị quyết đã quy định cụ thể theo hướng tăng cường vai trò chủ động, tích cực của ĐBQH trong tiếp xúc cử tri. Gợi mở, khuyến khích cử tri bày tỏ kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng về những vấn đề cử tri quan tâm; thông tin đầy đủ về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, kịp thời giải đáp những vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị; các vấn đề cử tri chủ động đề nghị ĐBQH lắng nghe, ghi nhận, trao đổitrong nội dung tiếp xúc.
Đổi mới nội dung và hình thức tiếp xúc cử tri theo tinh thầnNghị quyết số 27–NQ/TW, Dự thảo đã bổ sung quy định về hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến; tiếp xúc cử tri trực tiếp kết hợp với trực tuyến; tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp bất thường của Quốc hội; tổ chức tiếp xúc cử tri trong tình hình thiên tai, dịch bệnh hoặc bất khả kháng; việc thu thập, tổng hợp kiến nghị cử tri trước và sau kỳ họp bất thường của Quốc hội nhằm khắc phục tình trạng “đại cử tri”, “cử tri chuyên nghiệp” hay tiếp xúc cử tri còn “hình thức”, “đơn điệu”.
Về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, theo ông Bình, các nội dung quy định về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri được đặt trong tổng thể quá trình của hoạt động tiếp xúc cử tri, từ tổ chức tiếp xúc cử tri; tập hợp, tổng hợp kiến nghị của cử tri; giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Trong bối cảnh đổi mới hoạt động của Quốc hội nói chung và hoạt động giám sát nói riêng theo tinh thần Nghị quyết 27/NQ-TW, nội dung về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri cần phải tiếp tục được thể chế hóa đầy đủ, toàn diện và sâu sắc trong dự thảo Nghị quyết.
Liên quan đến tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thường lệ của Quốc hội, có một số ý kiến đề nghị không quy định tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thường lệ của Quốc hội, Ban Dân nguyện nhận thấy: trách nhiệm với cử tri của ĐBQH được quy định cụ thể trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, ngoài ra, việc thực hiện tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thường lệ của Quốc hội đã thực hiện nền nếp, liên tục qua nhiều khóa Quốc hội, do đó, cần tiếp tục duy trì thực hiện. Đối với những hạn chế đã được chỉ ra, có thể khắc phục qua cách thức tổ chức thực hiện của Đoàn ĐBQH trong xây dựng và thực hiện chương trình, nội dung tiếp xúc cử tri. Do vậy, Ban Dân nguyện xin giữ nguyên quy định như trong dự thảo.
Liên quan đến tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn ứng cử, một số ý kiến cho rằng hoạt động tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn, tỉnh, thành phố, nơi đại biểu ứng cử ít được tổ chức, hiệu quả còn chưa cao, nên đề nghị cân nhắc việc quy định về hoạt động tiếp xúc này. Ban Dân nguyện nhận thấy: Điều 79, Hiến pháp năm 2013 quy định: “ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước”; Điều 27, Luật Tổ chức Quốc hội có quy định ĐBQH tiếp xúc cử tri ở địa bàn mà đại biểu quan tâm. Do đó, tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn là quyền của ĐBQH đã được Luật định nên đề nghị giữ nguyên như trong dự thảo.
Về thời hạn giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, có ý kiến đề nghị điều chỉnh quy định về thời hạn giải quyết, trả lời cử tri từ 60 ngày xuống 30 ngày để kịp thời trả lời những kiến nghị cử tri, Ban Dân nguyện nhận thấy: thẩm quyền giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri phần lớn thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước (trên 95% tổng số kiến nghị cử tri) trong khi các cơ quan này còn có nhiều nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, do nội dung của kiến nghị cử tri rất đa dạng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, có sự giao thoa trong thẩm quyền nên việc nghiên cứu, giải quyết, trả lời cần có đủ thời gian, nhất là đối với những kiến nghị có nội dung về sửa đổi chính sách, pháp luật, về bố trí nguồn lực hoặc đầu tư công. Do đó, dự thảo quy định thời hạn như trên là tiếp tục kế thừa như Nghị quyết 525 là hợp lý, Ban Dân nguyện đề nghị giữ nguyên như Dự thảo.
Về thời hạn gửi báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri của Ban Dân nguyện tới Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, ông Bình thông tin hiện nay, Ban Dân nguyện giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH trước kỳ họp, gửi đến Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam chậm nhất là 5 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội. Có ý kiến cho rằng cần tăng thời hạn nêu trên để thuận lợi cho việc tổng hợp và hoàn thiện báo cáo của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam trình Quốc hội. Tiếp thu ý kiến trên, Ban Dân nguyện đề nghị điều chỉnh thời hạn gửi báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri của các Đoàn ĐBQH: “chậm nhất là 7 ngày” như trong dự thảo.
Về việc khắc phục tình trạng tiếp xúc “đại cử tri”, “cử tri chuyên nghiệp”, để khắc phục tình trạng này trong hoạt động tiếp xúc cử tri thời gian qua, Dự thảo Nghị quyết đã bổ sung thêm các hình thức tiếp xúc cử tri mới; tăng cường vai trò chủ động, tích cực của ĐBQH; bổ sung nội dung, kiến nghị về các vấn đề cử tri chủ động đề nghị ĐBQH lắng nghe, ghi nhận, trao đổi nhằm hướng tới cơ bản khắc phục tồn tại, hạn chế tiếp xúc cử tri còn “hình thức”, “đơn điệu”, tình trạng “đại cử tri”, “cử tri chuyên nghiệp”.
Bên cạnh đó, tại Dự thảo đã quy định về trách nhiệm của Ban Thường trực UB MTTQ và Ủy ban nhân dân ở địa phương trong việc tuyên truyền, vận động cử tri tham dự cuộc tiếp xúc. Do vậy, để đông đảo cử tri tham dự, vai trò của cơ quan tổ chức tiếp xúc cử tri rất quan trọng, nhất là việc mời, vận động cử tri tham dự và việc sắp xếp lịch, thời gian tiếp xúc phù hợp.
Nguồn: https://daidoanket.vn/khac-phuc-tinh-trang-tiep-xuc-cu-tri-cua-dai-bieu-quoc-hoi-con-hinh-thuc-don-dieu-10290987.html