Khắc phục tình trạng quy hoạch treo
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đại biểu Hoàng Ngọc Định cho biết, tháng 9/2019, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 82 về tiếp tục thực hiện nâng cao hiệu lực hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy trình quản lý, sử dụng đất đai đô thị. Để khắc phục tình trạng quy hoạch treo, dự án treo gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như định cư của người dân. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết từ khi Nghị quyết được ban hành đến nay, Bộ đã có những giải pháp gì nhằm khắc phục tình trạng trên?
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, sau khi có Nghị quyết 82, Bộ đã triển khai thực hiện các nội dung trong nghị quyết và tiến hành rà soát Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị cùng các văn bản hướng dẫn.
Qua đó, tham mưu sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trên, nhằm tạo điều kiện cho người dân về cấp giấy phép xây dựng có thời hạn tại các dự án có quy hoạch chậm thực hiện.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ Xây dựng có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra với các địa phương, đôn đốc nhiệm vụ thực hiện quy hoạch. Đồng thời, Bộ có nhiều văn bản đề nghị địa phương điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn, không có tính khả thi; yêu cầu địa phương công khai quy hoạch, thực hiện theo đúng quy định về lập quy hoạch đầu tư.
Cùng với đó, Bộ có kế hoạch đưa vào chương trình xây dựng pháp luật để xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp tới. “Chúng tôi đang xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tới, để khắc phục tình trạng quy hoạch treo”, Bộ trưởng Nghị trả lời.
Chú trọng đến hợp tác xã và sản phẩm OCOP
Đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho biết, Nghị quyết 62 của Quốc hội có nêu phấn đấu đến hết 2025 có 25.000 hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp và có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận từ ba sao trở lên.
Theo đại biểu, hiện tại chỉ mới được nửa nhiệm kỳ nhưng chỉ tiêu 10.000 sản phẩm đã gần đạt. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết có phải chỉ tiêu này đưa ra quá thấp so với tiềm năng thực tế của ngành hay không? Ngành có biện pháp gì để duy trì tính bền vững cho những sản phẩm đã được công nhận này? Mục tiêu 25.000 hợp tác xã kiểu mới có đạt được không? Hiện nay đã đạt được bao nhiêu phần trăm?
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về phát triển hợp tác xã và sản phẩm OCOP, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, theo Nghị quyết, đến năm 2025, số hợp tác xã cần đạt 25 ngàn, đến thời điểm này đã có gần 20 ngàn hợp tác xã nông nghiệp. Từ sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 20 và Luật Hợp tác xã (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, có sự chuyển biến lớn về nhận thức cũng như hành động ở các địa phương, có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, thành lập, nâng cao chất lượng hợp tác xã.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết, Bộ sẽ cụ thể hóa đối với hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp để phân loại, nâng cao chất lượng hợp tác xã về quản trị, đa dạng hóa dịch vụ, xúc tiến thị trường, ứng dụng công nghệ trong hợp tác xã.
Về sản phẩm OCOP, Bộ trưởng cho biết, hiện chúng ta đang có khoảng 10 ngàn sản phẩm OCOP. Thời gian sắp tới, Bộ sẽ có hướng dẫn cho địa phương để OCOP thực sự trở thành một kết tinh của tài nguyên bản địa, công nghệ, ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp.
Bộ trưởng cũng lưu ý các địa phương, việc tạo ra sản phẩm đã khó, nhưng đưa được sản phẩm ra thị trường càng khó hơn, đưa ra thị trường bền vững với giá tối ưu, tạo thành sinh kế cộng đồng, để xây dựng khu vực kinh tế nông thôn cùng hợp tác xã thì đòi hỏi sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo địa phương.
Bộ trưởng đề nghị các lãnh đạo địa phương chú trọng đến hợp tác xã và sản phẩm OCOP, để xây dựng khu vực kinh tế, tạo cơ hội thu hút thêm đầu tư từ bên ngoài.