Huy động tối đa nguồn lực tạo đột phá trong phát triển hạ tầng đường bộ
Sáng 10/11, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Đường bộ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, về cơ sở chính trị, việc xây dựng dự thảo Luật Đường bộ nhằm thể chế hoá các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển vận tải đường bộ nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Việc xây dựng luật cũng hướng tới tạo cơ chế đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại hóa; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; xây dựng cơ chế, chính sách huy động, sử dụng các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Các chủ trương đầu tư làm phát sinh gia tăng nhu cầu giao thông lớn phải có đánh giá tác động về trật tự, an toàn giao thông theo Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.
Về cơ sở thực tiễn, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2009, được xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm tính kế thừa các nội dung của Luật Giao thông đường bộ năm 2001 với nhiều điểm mới và những quy định cụ thể, chặt chẽ.
Qua 13 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông; thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kinh tế đất nước; tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động giao thông vận tải với các nước trong khu vực.
Sau quá trình tổng kết, nghiên cứu, bên cạnh việc phát huy ưu điểm, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã bộc lộ một số vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là các quy định về cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ; ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động đường bộ; điều chỉnh các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho phù hợp với thực tế. Từ những lý do trên, việc xây dựng dự án Luật Đường bộ là hết sức cần thiết.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng, việc xây dựng Luật Đường bộ nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng đường bộ; vận tải đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ.
Về quan điểm xây dựng Luật, Bộ trưởng cho biết, việc xây dựng dự án Luật Đường bộ có tác động đối với tiến trình phát triển, hội nhập kinh tế của đất nước và dựa trên các quan điểm sau đây: kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; kế thừa, tiếp tục phát triển, hoàn thiện quy định còn phù hợp với thực tế, sửa đổi, bổ sung những quy định đã phát sinh hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tạo cơ chế để huy động tối đa mọi nguồn lực nhằm tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, làm cơ sở kết cấu lại các phương thức vận tải.
Việc xây dựng dự án luật cũng bám sát quan điểm nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn vận tải đường bộ tạo nên thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý, hiệu quả và cạnh tranh; cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng trong lĩnh vực đường bộ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức giao thông, quản lý kết cấu hạ tầng, quản lý hoạt động vận tải.
Nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Đường bộ
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Đường bộ nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013; nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động giao thông vận tải đường bộ, thúc đẩy sự phát triển giao thông đường bộ (GTĐB).
Dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và bảo đảm tính khả thi.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đề nghị tiếp tục rà soát một số quy định cụ thể của dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất với quy định trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn GTĐB và quy định của pháp luật có liên quan; tương thích với điều ước quốc tế; bổ sung đánh giá tác động đối với một số quy định mới được bổ sung trong dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi.
Về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban QPAN cơ bản tán thành phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật nhằm tập trung quy định chuyên sâu về kết cấu hạ tầng đường bộ và hoạt động vận tải đường bộ. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu, tiếp tục làm rõ về phạm vi điều chỉnh cũng như một số nội dung của dự thảo Luật với dự thảo Luật Trật tự, an toàn GTĐB cho phù hợp, tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất và khả thi.
Về nguyên tắc hoạt động đường bộ (Điều 4), Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí quy định của dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị sửa tên Điều này và chỉnh sửa nội dung theo hướng quy định nguyên tắc phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng đường bộ và vận tải đường bộ. Có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc quản lý hoạt động giao thông công khai, minh bạch, hiện đại; bổ sung quy định về các phương tiện giao thông đặc thù tham gia giao thông như xe quân sự thực hiện diễn tập, nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; bổ sung nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới trong hoạt động đường bộ để làm cơ sở xây dựng các quy định về bình đẳng giới trong Luật.
Liên quan đến chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ (Điều 5), một số ý kiến đề nghị bổ sung nội dung phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại đồng bộ với phát triển phương tiện giao thông đường bộ. Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng gắn với lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn tại khoản 2 cho phù hợp với chủ trương của Đảng và yêu cầu thực tiễn.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật cho đầy đủ, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn và các văn bản chỉ đạo của Đảng.
Về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ (Điều 15), Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị tiếp tục xem xét, đánh giá thực trạng áp dụng quy định về tỷ lệ quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đô thị trong thời gian qua để quy định bảo đảm tính khả thi và giao Chính phủ quy định, hướng dẫn thực hiện tỷ lệ quỹ đất đường bộ đô thị theo từng khu vực trong đô thị để bảo đảm việc bố trí quỹ đất hài hòa trong toàn đô thị.
Đề cập về xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo (Điều 22) và xây dựng, lắp đặt công trình hạ tầng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ (Điều 23), Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, việc quy định về hoạt động quảng cáo trong dự thảo Luật là cần thiết vì liên quan trực tiếp đến hoạt động đường bộ. Do đó, đề nghị quy định chặt chẽ, cụ thể về hoạt động này trong dự thảo Luật.
Về đầu tư xây dựng công trình đường bộ (Điều 32), Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, một số quy định tại Điều này chưa bảo đảm tính thống nhất với pháp luật về đầu tư, xây dựng và chưa bảo đảm tính khả thi, do đó đề nghị nghiên cứu các ý kiến nêu trên để tiếp tục rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật.
Đối với Trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh (Điều 43), Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị nghiên cứu các ý kiến để xây dựng các trung tâm quản lý, trung tâm chỉ huy giao thông tránh chồng chéo, lãng phí.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cũng đề cập một số nội dung về nguồn tài chính để đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ (Điều 45), Chương III (Đường bộ cao tốc), về hoạt động vận tải đường bộ (Điều 61).