Ngày 20/9, tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành sự cần thiết phải sửa đổi Luật Thủ đô nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội được đặt ra trong các nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
Cơ bản tán thành với Báo cáo thẩm tra sơ bộ, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý vào nhiều nội dung cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội cho ý kiến đạt chất lượng, mục tiêu đề ra.
Đánh giá cao hồ sơ, tài liệu của dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường lưu ý, về thời gian gửi hồ sơ tài liệu cần đáp ứng yêu cầu theo quy định.
Tán thành phạm vi điều chỉnh, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh như đề xuất là cơ sở pháp lý quan trọng cho xây dựng và phát triển chính quyền đô thị, trung tâm của cả nước và hệ thống đô thị vệ tinh lân cận. Từ đó, giúp Thủ đô Hà Nội vận hành linh hoạt, nhanh nhạy, có những cơ chế, chính sách đặc thù riêng để có thể huy động nguồn lực đầu tư, tăng tính hội nhập, tạo sự bứt phá…
Đặc biệt quan tâm đến các quy định liên quan việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thông qua các quy định của dự thảo Luật, có thể hình dung được hình hài phát triển của Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới và trong tương lai. Nhất trí với nhiều nội dung tại Báo cáo thẩm tra, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường lưu ý, hồ sơ dự án Luật chưa có dự thảo quyết định về biện pháp và lộ trình di dời. Đây là một dạng văn bản quy định chi tiết mà theo quy định tại Điều 11 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án Luật.
Cũng tham gia thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, nhiều quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được thể hiện trong văn bản Luật chuyên ngành như: Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Giá; Luật Bảo hiểm y tế… Trong khi đó, các quy định của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chỉ đưa ra quy phạm mà chưa dẫn chiếu các luật chuyên ngành.
Bày tỏ nhất trí với quan điểm Thủ đô cần có các chính sách đặc thù vượt trội để đem lại những kết quả đột phá, tạo tiền đề cho sự phát triển nhanh, bền vững của Thủ đô và góp phần tạo ra động lực dẫn dắt các địa phương khác trong vùng và cả nước, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị, các quy định đặc thù cần được đặt trong tổng thể chung để bảo đảm sự thống nhất về chủ trương và nguyên tắc điều chỉnh đối với từng lĩnh vực cụ thể của hệ thống pháp luật.
Liên quan đến lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị, cần có những quy định thúc đẩy bình đẳng giới để phụ nữ tham gia nhiều hơn trong các lĩnh vực ngành nghề luôn là ưu thế của nam giới.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng nêu rõ và phân tích nhiều quy định cần rà soát, hoàn thiện liên quan đến quy định về chính sách phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân; giá dịch vụ y tế…
Cho ý kiến tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần làm rõ đầu tư cơ sở hạ tầng như thế nào để Hà Nội ngang tầm với các thành phố trên thế giới; thành phố Hà Nội quyết định phân cấp, phân quyền cụ thể ra sao?
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cơ chế chính sách đặc thù phải đồng bộ toàn diện, khắc phục ngay những khó khăn, vướng mắc, bất cập đang cản trở sự phát triển của Thủ đô. Đồng thời, tiếp tục rà soát, bổ sung cơ chế chính sách đặc thù, song cần rõ trách nhiệm, rõ cơ chế kiểm soát quyền lực.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, nghiên cứu bổ sung chính sách phát triển Thành phố Hà Nội theo hướng là thông minh, thành phố xanh. Chỉ ra kinh nghiệm của các quốc gia, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần nhận diện rõ, có dự kiến phát triển không gian ngầm, có cơ chế chính sách đầu tư thuận lợi…