Dự luật đang được lấy ý kiến có 7 chương, 65 điều, quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu; áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động về dữ liệu tại Việt Nam.
Việc trình Quốc hội xem xét, ban hành một đạo luật về quản lý dữ liệu trong bối cảnh hiện nay không chỉ cần thiết mà còn cấp bách bởi dù đã đạt những kết quả tích cực nhưng việc xây dựng, tạo lập, kết nối, chia sẻ dữ liệu để tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính… vẫn còn nhiều hạn chế, thách thức.
Trong đó, một số hạn chế, thách thức đã được đề cập trong dự thảo Tờ trình dự án Luật như: nhiều cơ sở dữ liệu được thu thập, lưu trữ trùng lặp, chồng chéo, chưa thống nhất về danh mục dữ liệu dùng chung gây khó khăn khi kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu; các trung tâm dữ liệu đầu tư thiếu đồng bộ, không đồng nhất về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không thường xuyên được kiểm tra, bảo trì, nâng cấp dẫn đến nguy cơ không bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống; một số bộ, ngành, địa phương thuê dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh an toàn thông tin do chưa thực sự quản lý, kiểm soát được dữ liệu nhà nước trên hạ tầng của doanh nghiệp; một số hệ thống thông tin còn lỗ hổng bảo mật, không đủ điều kiện kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; khó khăn trong việc khai thác, liên thông, cung cấp kịp thời dữ liệu để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công liên thông, phân tích thống kê, đưa ra các chỉ tiêu, chỉ số phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ…
Thực tế vừa qua cũng đã cho thấy, dường như các bộ, ngành, địa phương cũng chưa thực sự mặn mà với việc xây dựng cũng như chia sẻ cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương mình với bộ, ngành, địa phương khác hay đóng góp vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Lý do có thể là bởi, trong các luật hiện hành (đã được cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát đến thời điểm này – PV) có quy định liên quan về cơ sở dữ liệu thì chỉ có một số luật có quy định về trách nhiệm của cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu trong việc xây dựng, thu thập, quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu.
Thông tin tại dự thảo tờ trình dự án luật cho thấy, các luật không quy định cụ thể hoặc thống nhất về việc xử lý, quản trị dữ liệu (như việc thu thập, số hóa, bảo đảm chất lượng, lưu trữ dữ liệu…); chưa quy định về nền tảng phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong xử lý dữ liệu; chưa quy định việc tạo lập cơ sở dữ liệu được tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, hoạch định đường lối, chính sách, phát triển kinh tế – xã hội, cải cách thủ tục hành chính, dịch vụ công, bảo đảm lợi ích của tổ chức, cá nhân; chưa quy định sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu đang phát triển trên thế giới như sàn giao dịch dữ liệu, dịch vụ trung gian dữ liệu, dịch vụ phân tích, tổng hợp dữ liệu…
“Trong khi đó, việc thiết lập thị trường dữ liệu, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu hiện nay có vai trò rất quan trọng, nó được xem là yếu tố đột phá để từng bước tạo lập và thúc đẩy mở thị trường dữ liệu, lấy thị trường dữ liệu làm động lực phát triển dữ liệu và kích thích, thúc đẩy chuyển đổi số các ngành, các lĩnh vực, tăng năng lực cạnh tranh, bảo đảm cho tiến trình chuyển đổi số ở nước ta”, dự thảo tờ trình dự án luật nêu rõ.
Tại cuộc họp ngày 10.7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chuyển đổi số, “đặc biệt là việc xây dựng cơ sở dữ liệu”. Thủ tướng đã yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng cơ sở dữ liệu cho bộ, ngành, địa phương mình, đồng thời chia sẻ cơ sở dữ liệu này với các bộ, ngành, địa phương và tập trung về cơ sở dữ liệu quốc gia.
Như vậy, cùng với việc khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Dữ liệu để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám thì một nội dung cần đặc biệt lưu ý khi xem xét dự luật này là quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu trong việc xây dựng, thu thập, quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Rành mạch vấn đề này sẽ giúp khắc phục khoảng trống pháp luật về dữ liệu, bảo đảm được tính thống nhất, đồng bộ, khả năng kết nối, chia sẻ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ sự phát triển của đất nước.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/khac-phuc-khoang-trong-phap-luat-ve-du-lieu-i382047/