Những năm gần đây khi đăng ký xét tuyển đại học (ĐH), thí sinh có xu hướng chọn tổ hợp Khoa học xã hội (KHXH) ngày càng tăng. Đây là xu hướng tốt, học sinh sẽ bớt “xa lánh” các môn Lịch sử, Địa lý. Tuy nhiên, điều này dẫn đến hệ lụy trong việc đào tạo nguồn nhân lực, bởi nền kinh tế ngày càng đòi hỏi nhiều lao động liên quan đến khoa học – công nghệ.
TS Bùi Thị An – nguyên đại biểu Quốc hội cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chỉ có 37% trong tổng số gần 1,1 triệu thí sinh dự thi chọn bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN) đang là thực tế đáng lo ngại. Trong đó, theo bà An, nguyên nhân khiến số lượng thí sinh đăng ký bài thi KHTN ít hơn KHXH một phần do chọn tổ hợp KHXH việc học sẽ nhẹ nhàng hơn. Ngược lại, số lượng thí sinh đăng ký bài thi KHTN chỉ đạt tỷ lệ 37% cũng vì kiến thức các môn thuộc KHTN khó. Đặc biệt, các ngành ở bậc ĐH đào tạo về khoa học, kỹ thuật, công nghệ là ngành khó, đòi hỏi nhiều kiến thức về Toán, Vật lý… Điều này cho thấy, nếu không có định hướng từ đầu sẽ ít thí sinh lựa chọn thi và theo học các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học).
Còn theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), các nghiên cứu khoa học giáo dục đã chỉ ra rằng, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, kiến thức về STEM, KHTN không chỉ là yêu cầu đối với các ngành thuộc về khoa học, công nghệ, kỹ thuật mà còn là hành trang cho tất cả các lĩnh vực. Nguồn nhân lực khi không được trang bị các kiến thức, kỹ năng liên quan đến STEM, KHTN sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phát triển các ngành công nghiệp mới. Một quốc gia có tỷ lệ thí sinh lựa chọn bài thi KHXH để xét tuyển ĐH nhiều hơn KHTN đã và đang đặt ra câu hỏi rất lớn rằng, như vậy thì làm sao nguồn nhân lực có thể hội nhập được trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Thực tế tuyển sinh tại nhiều trường ĐH đa ngành, nhiều năm nay khối ngành kỹ thuật, công nghệ luôn có điểm thấp hơn khối ngành kinh tế – dịch vụ. Việc thí sinh đổ xô theo học khối xã hội áp đảo tự nhiên rõ ràng là xu hướng lệch. Trong ngắn hạn có thể chưa có nhiều tác động, nhưng về lâu dài nó sẽ có nguy cơ gây mất cân bằng nguồn nhân lực để phát triển đất nước.
Các chuyên gia cũng nhận định, xu hướng thế giới cho thấy các ngành nghề STEM ngày càng dễ có việc làm, có thu nhập cao, trong khi các ngành xã hội số việc làm hạn chế. Nếu không có giải pháp cân bằng giữa các môn KHXH và KHTN, dẫn tới nguy cơ học sinh thiên về chọn tổ hợp KHXH để an toàn tốt nghiệp, mà không phải chọn tổ hợp thi theo xu hướng nghề nghiệp và đam mê môn học thực sự. Mặt khác, các tỉnh, thành phố có kinh tế – xã hội phát triển, tỷ lệ học sinh chọn KHTN cao hơn các tỉnh có kinh tế – xã hội còn khó khăn, điều này làm cho khoảng cách về chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực giữa các tỉnh, thành phố ngày càng lớn.
Vì vậy, việc cải thiện độ vênh về tỷ lệ chọn tổ hợp KHTN, KHXH cần phải được bắt đầu từ rất sớm. Đơn cử, PGS.TS Nguyễn Thị Hòa – Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng (Trường ĐH Giao thông Vận tải) chia sẻ, các trường ĐH, đặc biệt các trường khối ngành kỹ thuật mong muốn công tác hướng nghiệp từ bậc học dưới, thậm chí từ THCS đến THPT phải tạo đam mê và gieo mầm KHTN để tỷ lệ học sinh yêu thích tự nhiên và xã hội ngang bằng nhau.
Đi tìm một nguyên nhân sâu xa hơn có thể thấy, định hướng việc chọn thi tốt nghiệp THPT có lẽ đã ít nhiều bị ràng buộc ngay từ khi các em phải lựa chọn tổ hợp khi bước nhân vào lớp 10. Hiện việc đổi tổ hợp môn học giữa chừng không đơn giản, muốn chuyển đổi tổ hợp các em phải chờ cho đến hết 1 năm học để có đủ kết quả của những môn đã chọn để đổi lớp.
Hướng tới những đổi mới trong thi cử và tránh tình trạng học lệch, Bộ GDĐT đang lấy ý kiến rộng rãi vào Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT. Kết quả lấy ý kiến từ 63 Sở GDĐT về dự thảo Quy chế nói trên, có 60/63 tỉnh, thành phố đã đồng ý với phương án thi tuyển sinh vào lớp 10 với 3 môn: Toán, Ngữ văn và một môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp.
Các chuyên gia kỳ vọng, khi tổ chức bốc thăm các môn thi, học sinh lớp 6, 7, 8 sẽ phải chú tâm học đều các môn học, khi vào lớp 10 tỷ lệ lựa chọn các tổ hợp sẽ bớt lệch hơn so với hiện nay. Từ đó, khi thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH tỷ lệ chọn giữa các khối sẽ dần cân bằng trở lại. Như vậy, trong khi chờ đợi các giải pháp mang tính chiến lược, tổng thể thì việc điều chỉnh chiến thuật bắt đầu từ thay đổi lựa chọn môn thi vào lớp 10 cũng được xem như sự cải thiện hợp lý, nhằm giảm bớt độ chênh giữa hai tổ hợp xét tuyển nói trên.
Nguồn: https://daidoanket.vn/khac-phuc-bat-cap-to-hop-tuyen-sinh-10295889.html