Sáng 28/4 tại Quảng Ninh, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản. Thừa ủy quyền của Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên, Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam, ông Nguyễn Trường Giang chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Xây dựng, Lãnh đạo và chuyên viên các phòng chuyên môn thuộc Cục Khoáng sản Việt Nam, các Vụ, Cục, Viện chuyên môn của Bộ TN&MT, Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, đại diện Lãnh đạo các Sở TN&MT và các chuyên viên phụ trách, đại diện các doanh nghiệp, Tập đoàn hoạt động khoáng sản.
Cần sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Trường Giang – Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết: Sau 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản, Chính phủ đã ban hành 12 Nghị định quy định chi tiết thi hành và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản.
Hệ thống văn bản pháp luật về địa chất, khoáng sản cơ bản đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đẩy mạnh điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; quản lý khoáng sản ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, qua quá trình tổng kết thi hành Luật Khoáng sản, Bộ TN&MT nhận thấy một số yêu cầu mới về pháp lý và thực tiễn cần phải sửa đổi, bổ sung ngay các Nghị định này.
Theo Cục trưởng Nguyễn Trường Giang, ngày 6/1/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, trong đó giao Bộ TN&MT xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản, trình Chính phủ vào tháng 6/2023.
Ông Mai Thế Toản – Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết việc xây dựng Nghị định nhằm tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 10-NQ/TW khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của các Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản năm 2010; tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch; khắc phục các bất cập nhằm quản lý thống nhất lĩnh vực địa chất, khoáng sản; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản.
Dự thảo Nghị định gồm có 7 điều, bao gồm: Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản; Điều 2. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Điều 3. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67/2019/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Điều 4. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 23/2020/NĐ-CP về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.
Điều 5. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 51/2021/NĐ-CP về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; Điều 6. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; Điều 7. Trách nhiệm thi hành.
Nhiều góp ý cho các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản
Phó Cục trưởng Mai Thế Toản đã nêu cụ thể những nội dung cần làm rõ, sửa đổi, bổ sung trong các Nghị định trên. Trên cơ sở đó, các đại biểu tham dự Hội thảo có nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản.
Trong đó, có nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến khoáng sản đi kèm. Theo đại diện Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo, thực tế khai thác và chế biến cho thấy với công nghệ sản xuất hiện đại, tiên tiến, khả năng thu hồi được thêm các khoáng sản đi kèm trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản chính là rất cao.
Tuy nhiên, vướng mắc đối với các khoáng sản đi kèm nằm ở chỗ chúng không được đề cập đến trong báo cáo phê duyệt trữ lượng, không có phương án kỹ thuật để thu hồi trong thiết kế khai thác mỏ, không được tính toán giá trị kinh tế khi xây dựng mô hình kinh doanh của dự án khai thác, dẫn đến việc doanh nghiệp khai thác thường phải cân nhắc lợi ích kinh tế và hiệu quả đầu tư khi thu hồi.
Để đảm bảo việc khai thác, tận dụng triệt để, không gây lãng phí tài nguyên có giá trị, Công ty đề nghị tổ soạn thảo cân nhắc xây dựng cơ chế ưu đãi để các doanh nghiệp có cơ sở thu hồi khoáng sản đi kèm.
Cụ thể, tổ soạn thảo cân nhắc không thu tiền cấp quyền khoáng sản với khoáng sản đi kèm (trừ trường hợp đã có cơ sở để xác định rõ trữ lượng cần thu hồi) và không yêu cầu điều chỉnh toàn bộ Giấy phép Khai thác để phục vụ mục đích thu hồi khoảng sản đi kèm (hiện nay chỉ cần có công văn chấp thuận của cơ quan quản lý để thu hồi khoáng sản đi kèm cũng đã mất rất nhiều thời gian và công sức của doanh nghiệp).
Các loại thuế, phí đối với khoáng sản đi kèm sẽ được tính trên cơ sở khối lượng khoáng sản đi kèm là thành phẩm cuối cùng đã thu hồi được, riêng đối với mức phí bảo vệ môi trường sẽ được đóng như trong trường hợp tận thu khoáng sản.
Công ty cũng kiến nghị tổ soạn thảo cân nhắc không xếp các thành phần khoáng sản có hàm lượng dưới biên hoặc bị làm nghèo trong quá trình khai thác vào thành khoáng sản đi kèm, vì nếu doanh nghiệp khai thác đầu tư công nghệ chế biến hiện đại thì vẫn có thể phối trộn với các thành phần khoáng sản có hàm lượng cao để đưa vào chế biến và thu được thành phẩm đạt yêu cầu.
Về khai thác khoáng sản đi kèm, ông Mai Văn Thạch – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lai Châu cũng đề nghị bổ sung, đối với sử dụng đất, đá thải trong quá trình khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, trong quá trình khai thác được phép khai thác, thu hồi khoáng sản đi kèm là đất, đá thải làm vật liệu xây dựng, san lấp ngoài mục đích quy định không phải làm thủ tục điều chỉnh giấy phép khai thác.
Tổ chức, cá nhân phải thực hiện kê khai nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định; trên cơ sở báo cáo hàng năm của chủ mỏ, Sở TN&MT có trách nhiệm chủ trì để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, các khoản thu theo quy định.
Đồng thời, nghiêm cấm hành vi bán, cho, tặng đất đá thải của mỏ mà không thực hiện kê khai nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường theo quy định.
Ngoài góp ý về khoáng sản đi kèm, còn nhiều ý kiến khác liên quan đến lắp đặt trạm cân, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản… Ông Nguyễn Tiến Mạnh – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đề nghị Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung: “Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải lắp đặt trạm cân để kiểm soát toàn bộ khoáng sản nguyên khai khai thác, ngoại trừ một số trường hợp theo quy định; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu có liên quan”.
Ông cũng đề nghị bổ sung hệ số thu hồi liên quan đến phương pháp khai thác đối với khoáng sản đi kèm, đặc biệt là thành phần có ích đi kèm nằm trong quặng khoáng sản chính không thể tách riêng trong quá trình khai thác, chỉ có thể thu hồi trong quá trình tuyển, luyện. Vì thu hồi kết hợp trong quá trình tuyển khoáng sản chính nên hệ số thu hồi hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ tuyển khoáng sản chính và thường thấp hơn công nghệ tuyển riêng.
Về trữ lượng để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, TKV đề nghị, đối với các Giấy phép khai thác khoáng sản cấp sau ngày Nghị định số 158/2016/NĐ-CP có hiệu lực, trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Q) là trữ lượng khai thác được quy định trong Giấy phép khai thác khoáng sản.
Đồng thời, TKV đề nghị sửa đổi quy định cho phép tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản được nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tương ứng theo sản lượng khai thác thực tế và nộp hàng năm theo số năm được cấp phép khai thác.
Bộ TN&MT cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đơn vị: Sở TN&MT Quảng Ninh, Công ty TNHH mỏ Nikel bản Phúc, Tổng Công ty Đông Bắc – Bộ Quốc Phòng… cho Dự thảo Nghị định. Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam ghi nhận tất cả những ý kiến này và sẽ báo cáo Bộ để sớm hoàn thiện Dự thảo Nghị định.