Vài năm trở lại đây, phong trào trồng nấm rơm ở ấp 9, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ phát triển mạnh mẽ. Tận dụng thời gian nhàn rỗi sau vụ mùa và khu vực đất trống quanh nhà, nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn ấp đã khởi nghiệp thành công với mô hình trồng nấm rơm tạo thêm nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Trồng nấm rơm giúp phụ nữ ấp 9, xã Thuận Hưng có được cuộc sống ổn định hơn.
Cách nay hơn 10 năm, gia đình bà Nguyễn Thị Em, ở ấp 9, xã Thuận Hưng thường tận dụng rơm sau thu hoạch lúa để trồng nấm rơm bán. Tuy nhiên, thời điểm đó mỗi năm chỉ làm một vài đợt để tận dụng nguồn rơm sẵn có của gia đình tạo thêm thu nhập. Dần về sau, nhận thấy trồng nấm đem lại nguồn thu nhập khá nên gia đình bà bắt đầu chuyển hướng sang trồng nấm quanh năm như hiện nay.
Bà Em cho biết: “Trước đây, nhà tôi chủ yếu lấy rơm tại chỗ để chất nấm (trồng nấm – PV) nên hết vụ không bao lâu thì không còn rơm để làm. Hiện nay, lái bán rơm cuộn rất nhiều nên nghề này phát triển hơn”.
Theo bà Em, trồng nấm rơm rất nhanh cho thu hoạch, từ lúc chất rơm cho đến ngày thu hoạch nấm chỉ hơn 10 ngày, kể từ đó mỗi ngày nấm sẽ cho thu hoạch kéo dài đến hết tháng. Thương lái mua nấm vào tận nhà nên cũng đỡ công đi bán. Những đợt trúng mùa, được giá, bình quân 1.000m2 bãi chất nấm/vụ cho lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng. Do đó, nhiều năm nay gia đình bà duy trì trồng nấm quanh năm.
“Nhờ có nghề trồng nấm này mà kinh tế gia đình cũng ổn định hơn. Nguồn thu từ nấm rơm đảm bảo cho chi phí sinh hoạt hàng ngày, nhờ vậy khoản thu từ làm ruộng còn dư ra để tích lũy”, bà Em phấn khởi cho biết.
Nhận thấy nghề trồng nấm rơm được chị em phụ nữ yêu thích nên cách nay 2 năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thuận Hưng đã tập hợp các chị lại thành lập Tổ hợp tác trồng nấm rơm tại ấp 9 với 11 thành viên.
Tham gia vào tổ, các chị có điều kiện giúp đỡ, chia sẻ nhau về kinh nghiệm, kỹ thuật trồng nấm, đồng thời, Hội còn tạo điều kiện để các chị tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng như: vốn giải quyết việc làm, vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp… Nhờ đó, đời sống kinh tế nhiều hội viên trong ấp khấm khá hơn.
Theo bà Mai Thị Bé Tư, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng nấm rơm ấp 9, ở ấp này hầu như nhà nào cũng làm lúa nên nguồn rơm sau thu hoạch lúa rất nhiều. Mô hình trồng nấm rơm phát triển đã tận dụng được nguồn rơm sẵn có tạo thêm nguồn thu cho người dân. Do nhu cầu phát triển của nghề trồng nấm nên giờ đây ở địa phương cũng có nhiều người đi thu mua rơm từ các nơi khác chở về bán nên các hộ trồng nấm có điều kiện thuận lợi để trồng quanh năm, không lo thiếu việc làm. Nghề trồng nấm phát triển cũng giúp thêm việc làm, tận dụng lực lượng nhàn rỗi khác.
“Ở đây cũng hình thành đội chuyên đi chất nấm thuê và thu hoạch thuê. Hết nhà này thuê đến nhà khác luân phiên nhau nên cũng tạo việc làm ổn định cho nhóm lao động này”, bà Bé Tư cho biết.
5 năm nay, gia đình bà Bé Tư luôn duy trì nghề trồng nấm rơm. Bình quân mỗi vụ bà chất khoảng 300 cuộn rơm, trừ hết chi phí bà cũng thu lời gần 10 triệu đồng. Tính ra mỗi năm lợi nhuận từ trồng nấm của gia đình bà cũng trên 100 triệu đồng.
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thuận Hưng, các mô hình trồng nấm rơm phát triển đã tạo điều kiện cho chị em hội viên, phụ nữ trên địa bàn có việc làm ổn định, tạo thêm thu nhập cho gia đình. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các chị tiếp cận các nguồn vốn vay vốn khi có nhu cầu nhân rộng quy mô sản xuất để tăng thu nhập. Đồng thời, phối hợp các ngành chuyên môn tổ chức các buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề để giúp các chị sản xuất nấm đạt năng suất, chất lượng hơn, giúp nâng cao nguồn thu nhập.
Bài, ảnh: QUỲNH LAM