Hai tập cuối phim Gia đình mình vui bất thình lình diễn ra khá chóng vánh, chủ yếu thời lượng là để nhớ về quá khứ. Thậm chí, nhiều khán giả lầm tưởng bộ phim kết thúc ở tập 55 vì không còn gì để xem.
Nhạt nhẽo, viên mãn khiên cưỡng là cảm nhận của người xem. Nguyên cả tập phim không có cao trào hay điểm nhấn, không có bất ngờ hay bước ngoặt gì mà chỉ toàn những chi tiết được vẽ ra cho đủ thời lượng.
Đáng nói, cậu bé Long là nhân vật được giao trọng trách làm “kết bài” thông qua những chia sẻ trong lễ tốt nghiệp. Hoàn cảnh, cuộc sống của từng nhân vật trong phim được mô tả, tái hiện một cách hoàn hảo.
“Bé Long đóng phim hay quá nên đạo diễn không cho lớn. Từ lớp 2 đến lớp 5 vẫn y chang vậy”, “Khổ thân bé Long đang lớp 1 nhập vai lớp 5”, “Long có bài phát biểu hoành tráng nhưng không giống văn phong của cậu bé lớp 5”, “Kết sượng quá thể”, “Không để bé Long lớn là một hạt sạn to đùng”, “Kết phim nhạt nhẽo, thiếu mắm muối quá”… là một số bình luận của khán giả.
Trước đó, có ý kiến nhận xét xem phần “ba năm sau” trong tập 55 giống như bị lừa. Cụ thể, hình ảnh Công (Quang Sự) chuyển sang màu trắng đen. Sau đó là cảnh cả gia đình bà Cúc (NSND Lan Hương) mặt buồn rười rượi đứng trước bàn thờ.
“Anh Công anh ấy không thích ăn thịt gà luộc. Anh chỉ thích ăn xôi đậu xanh thôi”, Phương (Kiều Anh) đi ngang qua, nhìn bàn thờ, buồn bã nói.
“Con nghĩ chính ra anh Công lại sướng nhất đấy ạ. Cả nhà mình phục vụ, anh ấy đến giờ ăn thôi”, Hà (Lan Phương) nói thêm vào. Đúng lúc này, Công từ trong phòng bước ra, tay bế hai đứa trẻ. Hóa ra, cảnh tưởng buồn như đưa đám của gia đình bà Cúc lại là lễ đầy tháng cho cặp song sinh của Công và Phương.
Cú bẻ lái tưởng bất ngờ nhưng lại vô lý, khiên cưỡng tới mức nực cười. “Lời thoại không hề ăn nhập với tình huống, biên kịch thực sự cạn ý tưởng, cố tình cù khán giả cười nhưng vô lý, ngớ ngẩn”, “Cảnh này khiên cưỡng quá. Ý tưởng nhạt nhẽo. Ngày cúng mụ cho con thì cả nhà phải vui mới đúng, chứ không ai mặt như đưa đám thế.
Đúng kiểu hết ý tưởng, ép chi phải vui”, “Không hiểu sao đạo diễn, biên kịch có thể dựng một tập phim với những tình tiết phi lý như thế”, “Không hiểu Công không thích ăn gà, chỉ thích xôi đậu xanh thì liên quan gì tới lễ cúng đầy tháng cho con”…
Ngoài ra, một số khán giả tinh ý đánh giá hai tập cuối phim thừa thãi và cố tình kéo dài trong khi nhân vật bố mẹ của Phương không được nhắc đến.
“Tập phim thừa thãi, bố mẹ Phương xuất hiện đúng lúc khốn khổ nhất còn lại giấu nhẹm đi, không có đầu có cuối”, một khán giả phàn nàn.
Xét cả quá trình, Gia đình vui bất thình lình liên tục đánh rơi cảm xúc của khán giả. Ở những tập đầu, bộ phim nhận được đánh giá tích cực nhờ những chi tiết hài hước, hấp dẫn cùng dàn diễn viên thực lực.
Một thời gian sau, bộ phim sa đà vào những chi tiết rối rắm, bế tắc như mâu thuẫn giữa cặp đôi Danh – Trâm Anh hay chuyện giận hờn của vợ chồng Thành – Hà.
Đặc biệt bi kịch của cặp đôi Công – Phương đã vắt cạn nước mắt của người xem. Hàng loạt tình huống đẩy kịch tính phim lên khá khiên cưỡng rồi giải quyết nhanh, gọn lẹ kiểu “đầu voi đuôi chuột”.
Vì quá tham lam trong việc kéo dài số tập nên phim gây cảm giác nhàm chán. Thậm chí, nhiều người tuyên bố ngừng xem phim hay không đủ kiên nhẫn để xem tới tập cuối.
Dài dòng, lan man là thế nhưng 2 tập kết phim lại vẽ ra bức tranh vô cùng tươi đẹp, viên mãn.
Một số người phải thốt lên: “Vui buồn, khổ đau, hạnh phúc dễ như phim”. Minh chứng là việc Phương 3 lần sảy thai, hơn 50 tập phim sống trong dằn vặt, khao khát được làm mẹ, chỉ cần 1 khoảnh khắc “3 năm sau”, cô bỗng chốc có con bồng con bế. Công ung thư dạ dày giai đoạn 3 nhưng sống khỏe mạnh tới khi bạc đầu, thăng tiến trong sự nghiệp.
Cuối cùng, bộ phim kéo dài hơn nửa năm đã chính thức khép lại. Khán giả cảm thán: “May quá, phim hết rồi. Sốt ruột” hay người khác ví von “Bộ phim dài ngang Cô dâu 8 tuổi. Bộ phim nên hết từ lâu rồi mới phải để dành thời lượng cho dự án khác”.
(Nguồn: tienphong.vn)